Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, khu rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân lộc quản lý trước đây có diện tích 18.350 ha, thuộc địa giới hành chính 5 xã phía Đông Bắc huyện Xuân Lộc. Hiện nay, diện tích rừng thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là hơn 10.000 ha, trong đó 5.787 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, 4.242 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất.
Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã ký hợp đồng giao khoán với 491 hộ nhận khoán với tổng diện tích 1.470 ha đất để sản xuất nông nghiệp; trong đó, xã Xuân Tâm diện tích 569 ha với 277 hộ và xã Xuân Hưng diện tích 901 ha với 214 hộ. Ngoài ra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc còn hợp tác trồng rừng với Công ty CP lâm nghiệp Sài Gòn với tổng diện tích 15,39 ha tại xã Xuân Tâm để trồng rừng sản xuất nguyên liệu và rừng phòng hộ (trồng cây cao su).
Qua thanh tra cho thấy, hiện nay vẫn còn 23 hộ gia đình cá nhân tại xã Xuân Tâm và Xuân Hưng đang sử dụng đất rừng với tổng diện tích 97,63 ha nhưng chưa ký hợp đồng giao khoán với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.
Kết luận nêu rõ: Khâu tuyên truyền về kết quả quy hoạch 3 loại rừng và chuyển đổi rừng đến các hộ nhận khoán còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Một số hộ nhận khoán thực hiện chưa tốt, thiếu hợp tác trong quá trình thực hiện hợp đồng khoán. Tình trạng vi phạm hợp đồng của các hộ nhận khoán, tự ý chuyển nhượng hợp đồng khoán không thông qua Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc nhưng việc xử lý vi phạm còn hạn chế. Nhiều hộ dân vi phạm nhưng không chấp hành xử lý theo hợp đồng giao khoán.
Cụ thể, có 111 hộ với diện tích khoán 197 ha, thực hiện không đúng hợp đồng, vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng như: vi phạm khai thác rừng trái pháp luật; vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp; vi phạm quy định về hồ sơ lâm sản trong vận chuyển lâm sản; tự ý khai thác gỗ rừng trồng vốn hộ dân tự đầu tư.
Trong số đó, có 64 hộ vi phạm lần đầu; 29 hộ vi phạm lần 2; vi phạm từ 3 lần trở lên có 18 hộ. Có 41 trường hợp vi phạm nghiêm trọng hợp đồng khoán như vi phạm về quản lý bảo vệ rừng nhiều lần, hậu quả lớn, tự ý sang nhượng hợp đồng vi phạm không thể khắc phục, hoặc hộ nhận khoán không hợp tác để khắc phục hậu quả - kết luận thanh tra nêu rõ.
Đến nay, một số diện tích giao khoán chỉ trồng cây công nghiệp (diện tích 142,8 ha) và trồng thuần cây ăn trái (74,9 ha) là chưa phù hợp quy định về mô hình và loài cây trồng rừng phòng hộ; xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp tự ý khai thác cây gỗ rừng phòng hộ do hộ nhận khoán tự đầu tư trồng và chăm sóc còn còn gặp nhiều khó khăn do những bất cập trong quy định của Luật Lâm nghiệp và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Từ những lý do trên, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc thực hiện: đối với 110 hộ canh tác chưa ký hợp đồng giao khoán, tiếp tục phối hợp với UBND huyện Xuân Lộc, UBND các xã có liên quan, nhất là những xã có hộ dân canh tác chưa ký hợp đồng giao khoán để tuyên truyền, vận động hộ dân canh tác, ký hợp đồng nhận khoán theo quy định của pháp luật; xem xét xử lý dứt điểm đối với trường hợp tự ý xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định.
Đồng thời, đề xuất đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch sử dụng đất đảm bảo đúng theo tiêu chí quy định về rừng phòng hộ, rừng sản xuất được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Chánh Thanh tra cũng kiến nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát, Công an tỉnh chỉ đạo các cơ quan tố tụng huyện Xuân Lộc đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với vụ việc vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, hợp đồng giao khoán tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng.