Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng, phương tiện tập trung giải tỏa các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè; đồng thời xác định rõ công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên. Tỉnh nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở trái pháp luật trong quá trình giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm vỉa hè.
Tỉnh Nghệ An thực hiện kế hoạch giải tỏa vỉa hè theo đúng quy định của pháp luật và thực tế tại địa phương. Trong đó tỉnh lựa chọn, chỉ đạo điểm một số tuyến đường làm trước để rút kinh nghiệm, sau đó triển khai trên diện rộng; phân công rõ nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, xác định đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, gắn trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về giải tỏa vi phạm vỉa hè đến mọi người dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất.
Tỉnh hoàn thành việc rà soát, thống kê, phân loại các vi phạm, các trường hợp đã được bồi thường giải phóng mặt bằng trước đây nhưng chưa giải tỏa trước ngày 15/4/2017; hoàn thành việc ký cam kết không vi phạm với các tổ chức, hộ dân và cá nhân trước ngày 20/4; sau ngày 20/4, UBND cấp phường, xã thông báo bằng văn bản đến các đối tượng chưa tự tháo dỡ, di dời và tiếp tục yêu cầu tự tháo dỡ, di dời chậm nhất 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế, giải tỏa.
Tại Nghệ An, trên nhiều tuyến đường tình trạng lấn chiếm vỉa hè đang phổ biến, có những tuyến đường dù vỉa hè được xây dựng nhưng từ nhiều năm nay bị các tổ chức, hộ dân lấn chiếm gây khó khăn cho người đi bộ.
Đơn cử, đường Kim Liên, từ xã Hưng Chính (thành phố Vinh) đi huyện Hưng Nguyên trong tình trạng không có vỉa hè do các hộ dân dọc hai bên đường lấn chiếm để sản xuất, kinh doanh; tại thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn) có nhiều hộ dân đã lấn chiếm vỉa hè để xây dựng bờ rào hoặc nhà cửa kiên cố từ nhiều năm nay; tại thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc) có nhiều hộ dân lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh...