Những vụ việc thương vong liên tiếp xảy ra là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của hồ nước này. Hồ Đá tại Khu đô thị Đại học (làng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thuộc phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Hồ Đá cách trung tâm TP Hồ Chí Minh gần 15 cây số. Quanh hồ có rất nhiều vách đá cao, lởm chởm… nên dân trong vùng gọi nơi đây là Hồ Đá.
Dù biết nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn đến đây chơi. Ảnh minh họa. |
Trước đây, nơi này là công trường khai thác đá, đến năm 1993, công ty khai thác đá dời đi và để lại các hố sâu không san lấp. Sau nhiều năm, nước mưa đọng lại biến các hố sâu thành hồ. Theo người thợ lặn có thâm niên trong vùng, quanh bờ hồ có rất nhiều dốc đá nhọn nhấp nhô, cheo leo nên khi trèo lên đây mọi người hay bất cẩn, dễ vấp phải đá và rơi xuống lòng hồ.
Nhìn mặt hồ Đá phẳng lặng, nước trong vắt, không hề có dòng chảy mạnh, hay xoáy nước nguy hiểm. Nhưng dưới đáy nước lạnh như đá, khiến người khi bị rơi xuống hồ khó thể thích ứng ngay được với nhiệt độ và dễ bị chuột rút. Ngoài ra, trong phạm vi 3 mét mà có nơi nước chỉ đến đầu gối, ngang hông, còn có chỗ hố sâu đến hơn hai chục mét, nơi sâu nhất lên đến 50m.
Bởi vậy, nhiều người tưởng gần bờ là cạn, nhảy xuống tắm. "Người dân sống tại vùng này thì ít khi bơi và tắm lắm, chủ yếu là các công nhân và sinh viên nơi khác đến. Từ ngày có nhiều người tử vong, nhiều người còn cho rằng trong hồ có 'ma' nên tò mò đến để khám phá. Tôi thấy cũng có biển báo và hàng rào mà họ vẫn vào được, có khi còn leo lên vách đá để chụp hình cưới” – bà Lê Thị Anh, ngụ tại phường Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương cho biết.
Ông Trần Việt Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Cơ quan chức năng và trường đại học đã dựng rào xung quanh hồ khoảng chừng 5ha, đào hào, cắm biển cảnh báo. Tuy nhiên, bất chấp các biển báo nguy hiểm, nhiều người còn phá huỷ rào chắn để vào hồ chơi, chụp hình. Quanh hồ luôn có các chốt tuần tra và gác thay phiên nhau túc trực nhắc nhở xử lý những trường hợp vào quá gần hồ.