Phạt tù nhóm đối tượng hủy hoại tài sản của người dân

Phá hủy tài sản của người dân và không thành khẩn khai nhận tội, "chính quyền thôn" lĩnh án tù.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: vietnamnet.vn

Trong các ngày từ 31/8 đến 5/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án hủy hoại tài sản của người dân xảy ra cách đây hơn 4 năm tại huyện Thường Tín (Hà Nội).

7 bị cáo trong vụ án này đều trú tại thôn Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã bị Tòa tuyên phạt về cùng tội danh “Hủy hoại tài sản”, gồm: Nguyễn Văn Hợi (sinh năm 1959, nguyên Trưởng Cụm dân cư Đội 8, thôn Trát Cầu) bị tuyên phạt 48 tháng tù; Lê Văn Mộ (nguyên Bí thư Chi bộ Cụm dân cư Đội 8) bị phạt 42 tháng tù; Hồng Quang Tuấn 30 tháng tù giam; Đỗ Duy Châm, Đỗ Duy Vịnh, Đỗ Duy Hoàn và Nguyễn Văn Hồng bị phạt các mức án từ 13 tháng 4 ngày tù đến 24 tháng tù giam.

Nội dung vụ án như sau: Năm 1997, UBND xã Tiền Phong giao cho chính quyền thôn Trát Cầu hơn 97 sào đất ven sông Nhuệ để tổ chức đấu thầu thu sản lượng. Ông Đỗ Duy Khang (sinh năm 1960, là người địa phương) đã trúng thầu và được giao quản lý, sử dụng 10,7 sào đất (tương đương hơn 3.800 m2) trong thời hạn 13 năm.

Quá trình sử dụng, ông Khang tự ý đào đất đốt gạch, rồi trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm và thả cá. Ngày 20/10/2010, UBND xã Tiền Phong, đại diện cụm dân cư Đội 8 và ông Khang thống nhất thanh lý hợp đồng để chính quyền địa phương trích ra 2.579 m2 đất đền bù cho những hộ dân bị thu hồi đất làm đường ở một dự án khác tại địa phương.

Hơn 1.200 m2 đất còn lại, chính quyền Đội 8 không đồng ý để gia đình ông Khang tiếp tục canh tác. Thay vào đó, những người đứng đầu cụm dân cư này đề nghị UBND xã giao lại Đội 8 để cho người khác thuê.

Chính vì thế, từ năm 2011, gia đình ông Khang không nộp sản lượng nhưng vẫn tiếp tục tăng gia trên phần đất hơn 1200 m2. Sau đó qua nhiều lần thương thảo, gia đình ông Khang đồng ý nhận 300 triệu đồng tiền hỗ trợ cây cối, công trình tạm để tự giải phóng mặt bằng và trả lại đất cho Đội 8. Tuy nhiên về sau, gia đình ông Khang lại không nhất trí bàn giao mặt bằng.

Tương tự, năm 1997, gia đình bà Đỗ Thị Hợp (sinh năm 1953, người địa phương) cũng nhận thầu khoảng 13 sào đất ở ven sông Nhuệ (hơn 4.600 m2) với chính quyền thôn Trát Cầu. Năm 2003, gia đình bà Hợp tự ý chuyển nhượng cho ông Đỗ Duy Đại (sinh năm 1963, ở Đội 8) 7 sào đất (tương đương hơn 2.500 m2) trong tổng diện tích nhận thầu từ chính quyền thôn.

Năm 2008, trước sức ép của xã Tiền Phong, gia đình bà Hợp đã trả lại xã Tiền Phong 4,2 sào đất. Hơn 1 sào đất còn lại, gia đình bà Hợp vẫn tiếp tục canh tác trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm. Sau nhiều năm nộp sản lượng đầy đủ, đến năm 2011, bà Hợp không nộp phí thuê đất nữa.

Nhằm lấy lại mảnh đất mà gia đình bà Hợp đang sử dụng, chính quyền thôn Trát Cầu nhiều lần đề nghị UBND xã Tiền Phong đứng ra giải quyết nhưng không có kết quả do bà Hợp không hợp tác và cũng không đến xã làm việc theo giấy mời. Do đó, ngày 5/6/2012, UBND xã Tiền Phong đơn phương ra thông báo thanh lý hợp đồng đấu thầu đất với gia đình bà Hợp.

Trước sự dùng dằng của 2 hộ dân nêu trên, tháng 6/2012, với tư cách Trưởng cụm dân cư Đội 8, Nguyễn Văn Hợi bàn với Lê Văn Mộ (khi ấy là Bí thư Chi bộ Đội 8) ra thông báo, đồng thời yêu cầu mỗi gia đình trong khu dân cư cử một người tham gia cưỡng chế đất của gia đình ông Khang, bà Hợp và cả gia đình ông Đại.

Theo sự chỉ đạo của Hợi, Đỗ Duy Vịnh nhanh chóng liên hệ thuê máy xúc, máy cưa để phá hủy tài sản của các hộ dân. Sáng 30/6/2012, Hợi và Mộ huy động hàng chục người dân đến phá hủy hết cây cối, nhà tạm, tường bao của 3 hộ dân trong thôn.

Vô cớ bị phá hủy tài sản, bà Phạm Thị Loan (sinh năm 1966, vợ ông Đại) đứng ra ngăn cản thì bị nhiều đối tượng trong nhóm “cưỡng chế” bắt trói. Tiếp đến, khi con trai bà Loan dùng máy ảnh chụp lại cảnh chính quyền thôn phá hủy tài sản có tổ chức cũng bị một số đối tượng giật mất và vứt xuống sông.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Nguyễn Văn Hợi cùng các đồng phạm đã hủy hoại các tài sản của gia đình ông Khang với tổng trị giá hơn 92 triệu đồng, của gia đình bà Hợp 16,4 triệu đồng, của gia đình ông Đại hơn 23,5 triệu đồng và phá hủy chiếc máy ảnh của con trai ông Đại tương đương 2,7 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản mà các hộ dân bị hiệt hại trong vụ án là hơn 130 triệu đồng.

Quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo đều không thành khẩn khai nhận tội như nội dung bản cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai nhận hành vi của các bị cáo, nhân chứng cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử xác định có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Văn Hợi cùng các đồng phạm đã phạm tội “Hủy hoại tài sản”.

Kim Anh (TTXVN)
Phạt tù bộ sậu điều hành "sàn vàng ảo" HGI
Phạt tù bộ sậu điều hành "sàn vàng ảo" HGI

Sau 2 ngày xét xử, chiều 26/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án vụ kinh doanh vàng trái phép xảy ra tại Công ty cổ phần giao dịch vàng Hà Nội (viết tắt là HGI).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN