Liên tiếp xử phạt các vi phạm
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 123 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có 14 mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Ngoài ra, có 11 mỏ đang trong thời gian thăm dò, trong đó có 5 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn lại của tỉnh cấp phép. Các loại khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm kaolin - fenspat, talc, sét, đá vôi, đá cát kết phong hóa, quazit, nước khoáng nóng, cát sỏi lòng sông...
Việc quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản tiết kiệm, hợp lý, đúng quy định đã tạo điều kiện phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mỏ khai thác theo đúng quy định, chỉ giới cũng như phương án khai thác theo kế hoạch cấp phép khai thác ban đầu, vẫn còn một số điểm mỏ khai thác sai quy định, ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm thất thoát tài nguyên quốc gia.
Trên thực tế, tại Phú Thọ, việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, thường xuyên; ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp chưa cao, chưa có báo cáo chính xác về sản lượng khai thác, doanh thu. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tạm dừng khai thác hoặc hoạt động cầm chừng, nhất là doanh nghiệp khai thác quặng sắt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm tiến độ dự án đã được phê duyệt hoặc phải dừng sản xuất, sản xuất cầm chừng nhưng không báo cáo kịp thời.
Một số doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác chế biến khoáng sản. Việc vận chuyển khoáng sản làm cho hệ thống giao thông nông thôn ở một số xã bị hư hỏng, gây trở ngại lớn cho hoạt động giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước phục vụ sản xuất, môi trường sống trong các khu dân cư…
Ở một số địa phương như Thanh Thủy, Tam Nông, Đoan Hùng, Cẩm Khê… còn diễn ra tình trạng nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp núp bóng "san gạt hạ cốt nền” để khai thác tài nguyên đất trái phép. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này khai thác số lượng lớn rồi vận chuyển đất bán cho lò gạch, thậm chí bán ở ngoài địa bàn. Một số cá nhân tổ chức khai thác khoáng sản trái phép có giá trị đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử phạt.
Cụ thể, ngày 27/9/2022, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng đối với ông Nguyễn Phi Hùng (hộ khẩu tại tỉnh Vĩnh Phúc), do khai thác khoáng sản trái phép tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy; ngày 28/3/2022, tỉnh cũng đã Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Tiến Đạt, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, với số tiền hơn 600 triệu đồng…
Để siết chặt quản lý cũng như xử lý trường hợp vi phạm, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời xử lý trường hợp vi phạm, giám sát công tác hoàn thổ sau khi dừng hoạt động, xem xét thu hồi giấy phép đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, Sở kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Cùng với việc siết chặt quản lý khai thác vật liệu xây dựng, kaolin - fenspat, talc, sét… Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ chủ động phối hợp các ngành, địa phương hoàn thành việc lập bản đồ phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên.
Siết chặt quản lý
Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ liên tiếp ra văn bản về việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản.
Cụ thể, ngày 17/5/2023, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1759 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị chủ trì, phối hợp cơ quan đơn vị liên quan thực hiện phương án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn lại trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện; thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo đúng quy định của Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị chủ động đề xuất, báo cáo để UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh có chung ranh giới hành chính trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy chế phối hợp đã ký kết.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền trên địa bàn; định kỳ kiểm tra việc khai thác của các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo độ cao, công suất ghi trong Giấy phép (06 tháng/lần).
Bên cạnh đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị phối hợp với Cục Thuế tỉnh đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan tài nguyên và môi trường. Trường hợp sản lượng khai thuế không phù hợp sản lượng được phép khai thác ghi trên Giấy phép khai thác hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị, đề xuất xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật…
Ngày 6/6, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản số 2027 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu các ngành liên quan kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý (đặc biệt là các vấn đề về ranh giới, trữ lượng mỏ, hóa đơn chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm…). Qua đó, kịp thời phát hiện để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhằm xác định những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản để đề xuất các giải pháp tháo gỡ, sửa đổi, điều chỉnh quy định của pháp luật trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; phù hợp với thực tiễn, tính chất đặc thù của hoạt động khoáng sản…
Tiếp đó, ngày 13/6, tại văn sản số 2136 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tiếp tục rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (số vụ việc, hành vi vi phạm, số tiền phạt,…); kiến nghị các biện pháp quản lý tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, có văn bản yêu cầu tổ chức khai thác phải thực hiện quan trắc, theo dõi, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.
Các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, thị xã (có các mỏ cát, sỏi lòng sông) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc khai thác đúng công suất của các mỏ cát, sỏi đã được cấp phép khai thác. Việc cấp phép khai thác và hoạt động khai thác phải tuân thủ theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng, chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo đảm an toàn giao thông. Việc khai thác cát, sỏi phải đảm bảo không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.