Chiều 31/8, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Đức Toản, Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khẳng định, không có chuyện đóng cửa gỗ của Ô Quan Chưởng. Những ngày qua, thông tin cửa ô này phải đóng cửa vì dịch COVID-19 là không chính xác.
Trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, để hạn chế người qua lại, tại ngã ba Trần Nhật Duật - Ô Quan Chưởng, lực lượng chức năng đã dựng rào chắn kiểm soát.
Những ngày qua, có thời điểm cửa gỗ của Ô Quan Chưởng được lực lượng dân phòng khép lại, không khóa vào buổi tối để đảm bảo an ninh, hạn chế người qua lại. Ban ngày, cửa ô vẫn mở cửa bình thường.
Ô Quan Chưởng có tên chữ Hán là Đông Hà Môn. Vào thế kỷ XV, khu vực này thuộc thôn Thanh Hà, phường Đông Hà (một phường ở phía đông kinh thành Thăng Long, giáp với sông Hồng), được che chắn bằng con đê ngăn nước lũ. Đông Hà Môn là kiến trúc dựng cổng theo kiểu vọng lâu, gồm 2 tầng. Tầng dưới có 3 cửa vòm, cửa chính ở giữa cao 3 m, rộng gần 3 m, hai cửa phụ hai bên, mỗi cửa rộng 1,65 m, cao 2,5 m. Tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ vào vị trí giữa cửa, nên có đường đi chạy xung quanh, mé ngoài có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác hay hoa thị. Lối dẫn lên vọng lâu xây bậc thang ở hai bên phía ngoài cổng phụ.
Toàn bộ cửa Đông Hà có chiều rộng 20 m, chiều dài 7 m, xây bằng đá và gạch vồ loại lớn, tương tự như gạch xây tường ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Video Ô Quan Chưởng trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội:
Tấm bia “Lệnh cấm trừ tệ” lập ngày 12/4/1881 gắn trước cửa ô ghi lệnh sức của Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hoàng Văn Xứng cấm lý dịch các thôn, phường gây khó dễ, sách nhiễu dân chúng khi họ có việc nhà hoặc đi buôn bán, làm ăn trên sông, ở chợ… Tấm bia là hiện vật duy nhất thuộc nội dung này còn lưu giữ được, có giá trị đặc biệt cho việc nghiên cứu lịch sử Hà Nội.