Có một con đường Trường Sơn âm thanh ít người biết đến

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Bộ đội Thông tin liên lạc anh hùng và 44 năm “Sự kiện Lèn Hà”, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp từ Quảng Bình mang tên “Alô, đây là A69”. Chương trình diễn ra vào 20 giờ 10 phút ngày 3/7, trên kênh VTV1, do Ban Thanh thiếu niên thực hiện, chịu trách nhiệm sản xuất và Dẫn chương trình là nhà báo Tạ Bích Loan.

Hình ảnh tái hiện cuộc sống chiến đấu của Trạm A69.

Nằm ở Bắc Trung bộ, nơi có nhiều con đường giao thông chiến lược đi qua, nên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với đặc khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình gánh vác một sứ mệnh lịch sử quan trọng. Nơi đây ở vào vị thế là tuyến đầu của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của Cách mạng miền Nam, là “tuyến nóng”, hướng trọng điểm, xung yếu nhất. Quảng Bình cũng là điểm khởi đầu tuyến chi viện chiến lược 559 – đường Hồ Chí Minh, là căn cứ tập kết của các lực lượng binh chủng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn và lực lượng hùng hậu từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường. Cũng chính vì lẽ đó, nơi đây trở thành tâm điểm và thí điểm của mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Mảnh đất này oằn mình gánh chịu sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, “một hạt thóc củ khoai cũng cõng bao bom đạn”. Nhưng chính Quảng Bình cũng là nơi khắc sâu biết bao chiến công anh dũng của quân và dân ta.


Sau thất bại của “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ đồng thời tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc với mục đích đưa Việt Nam trở lại “thời kỳ đồ đá”. Về phía Việt Nam, để đảm bảo thông tin liên lạc giữa hậu phương và tiền tuyến cũng như đảm bảo thành công cho các chiến dịch, nên kể từ đó, bên cạnh con đường Trường Sơn huyền thoại, đã bắt đầu hình thành một con đường Trường Sơn khác: “Đường Trường Sơn âm thanh”. Năm 1966, Trung đoàn 134 được thành lập có nhiệm vụ đảm bảo thông tin phục vụ cuộc chỉ huy chống chiến tranh leo thang đánh phá của giặc Mỹ ở miền Bắc, đồng thời giữ vững thông tin liên lạc với chiến tường miền Nam. Trung đoàn đóng quân phân tán trải khắp các tỉnh miền Bắc từ Móng Cái Quảng Bình, Vĩnh Linh với hàng chục trạm cơ vụ. Những người lính thông tin hữu tuyến thời đó kiên cường bám trụ ngày đêm chiến đấu trên đôi dây với đủ tứ kẻ thù, bom đạn, biệt kích, thám báo, gió bão, lũ lụt, và cả những thiếu thốn đủ đường.


Trạm cơ vụ A69 đóng tại hang Lèn Hà nằm trong một khu rừng già ở huyện Tuyên Hóa, một xã biên giới giáp với nước bạn Lào, là một trạm thông tin quan trọng trên tuyến dây trần trục giao thông Bắc – Nam. Trạm A69 là trạm thông tin có vị trí cực kỳ quan trọng, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin từ Hà Nội đến Đường 9 – Nam Lào, là nơi dự trữ vũ khí trang bị, lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam,... và thường xuyên là trọng điểm bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Bằng sự nỗ lực phi thường, 33 đồng chí cán bộ, chiến sĩ của trạm cơ vụ A69 đã cải tạo hang đá Lèn Hà thành nơi đặt máy móc điện đàm, xây dựng khu nhà nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ và cả hội trường của trạm.


Bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ địch cũng như khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, những cán bộ chiến sĩ của Trạm cơ vụ A69 kiên cường dũng cảm, kiên trì bám máy, bám đường dây, bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến, nhất là từ Sở chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị tác chiến góp phần quan trọng vào nhiều chiến dịch thắng lợi của cả quân và dân ta. Mỗi khi thông báo “Alo, đây là A69” được cất lên có nghĩa là hậu phương và tiền tuyến đã được kết nối để cùng hòa mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân tộc.


13 giờ ngày 2/7/1972, trong khi các cán bộ chiến sĩ của Trạm A69 đang làm nhiệm vụ, 2 máy bay B57 của Mỹ ập tới ném bom khu vực hang Lèn Hà. Chỉ trong vòng 5 phút, trạm máy trên hang đá bị hư hỏng nặng nề, 1500m đường dây bị đứt nát không làm việc được và 13 chiến sĩ anh dũng hy sinh trong đó có 10 nữ chiến sĩ. Và 9 trong số đó tuổi đời còn chưa tới 20. Hai đồng chí mới 16 tuổi.


Gạt nước mắt, nén đau thương, những người còn lại quyết tâm khôi phục liên lạc. Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, đường dây đã được khắc phục, thông tin đã được thông suốt.


44 năm trôi qua, những chiến công, thành tích và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 mãi in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam. Hang Lèn Hà đã thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, thuộc đại đội 9, Trung đoàn 134.


13 chiến sĩ hy sinh trong sự kiện Lèn Hà gồmLiệt sĩ Đàm Văn Trình, sinh năm 1944, quê ở Kim Động, Hưng Yên; Liệt sĩ Lương Văn Chấn, sinh năm 1946, quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng; Liệt sĩ Trần Văn Xây, sinh năm 1946, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ; Liệt sĩ Vũ Thị Lan, sinh năm 1950, quê ở Vũ Thư, Thái Bình; Liệt sĩ Cao Thị Xuyến, sinh năm 1953, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa; Liệt sĩ Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1953, quê ở Nho Quan, Ninh Bình; Liệt sĩ Bùi Thị Lung, sinh năm 1954, quê ở Kim Bôi, Hòa Bình; Liệt sĩ Trần Thị Loan, sinh năm 1954, quê ở Thị xã Nho Quan, Ninh Bình; Liệt sĩ Lê Thị Châm, sinh năm 1955, quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ; Liệt sĩ Ngô Thị Luận, sinh năm 1955, quê ở Tân Lập, Phú Thọ; Liệt sĩ Nguyễn Thị Anh, sinh năm 1955, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ; Liệt sĩ Chu Thị Mạnh, sinh năm 1956, quê ở Thị xã Phú Thọ, Phú Thọ; Liệt sĩ Hoàng Thị Liên, sinh năm 1956, quê ở Thị xã Phú Thọ, Phú Thọ.


Những hình ảnh tái hiện lại cuộc sống chiến đấu của Trạm A69:



Bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ địch cũng như khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, những cán bộ chiến sĩ của Trạm cơ vụ A69 kiên cường dũng cảm, kiên trì bám máy, bám đường dây.




Những nụ cười vẫn luôn rạng rỡ trên môi những chiến sĩ trạm cơ vụ A69.



Trang nhật ký đầy cảm xúc của một người lính.

PV. Ảnh: BTC cung cấp
Đường Trường Sơn xe anh qua
Đường Trường Sơn xe anh qua

Cuốn “Vào Nam ra Bắc-Những chuyến đi và viết” của nhà báo Đoàn Việt tập hợp những bài viết tâm huyết về những tháng ngày hy sinh, gian khổ vượt Trường Sơn “mưa bom, đạn lửa” tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN