"Tay máy" Nguyễn Viết Đức của kênh Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (Vnews, Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên), người được phân công giữ mảng “tin nóng” tại Đà Nẵng luôn có mặt tại "rốn" của tâm dịch Đà Nẵng bất kể đêm ngày. Anh xông pha ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, từ việc phong tỏa bệnh viện, phong tỏa khu phố đến phun xịt khử khuẩn, xét nghiệm cộng đồng, truy vết nguồn lây... Đối với anh cũng như hàng trăm đồng nghiệp của các cơ quan thông tấn, báo chí thì tuần vừa qua là chuỗi ngày không ngừng nghỉ để mạch thông tin dược liên tục và nhanh chóng.
Dấn thân vào nơi hiểm nguy
Ngày 25/7, COVID-19 bất ngờ quay trở lại Đà Nẵng, cả thành phố biển lại một lần nữa gồng mình phòng, chống dịch. Trong tâm dịch, các phóng viên luôn phải dấn thân vào những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm để kịp thời thông tin về dịch bệnh. Cũng chính vì đặc thù công việc di chuyển nhiều, thời gian cấp bách nên các phóng viên luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đối với anh Viết Đức, việc mạo hiểm để ghi lại các hình ảnh thực tế tại hiện trường không chỉ là công việc, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bạn xem truyền hình.
Anh Đức cho biết: “Đã có kinh nghiệm từ đợt chống dịch trước nên tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn khi tác nghiệp. Khi tác nghiệp tại khu vực có nguy cơ cao, tôi và bạn biên tập viên đều cẩn thận mặc đồ bảo hộ y tế, đeo găng tay, sát khuẩn toàn thân. Tuy nhiên với dịch bệnh nguy hiểm này, việc đảm bảo an toàn 100% cho các phóng viên hiện trường là không dễ”.
Ngày 3/8 là ngày thứ 4 phóng viên trẻ Đoàn Xuân Sơn (Báo Đà Nẵng) tự hạn chế tiếp xúc, thực hiện giãn cách tối đa ngay cả với người thân. Khi ở nhà, anh làm việc, ăn ngủ trong phòng riêng, đi ra ngoài bằng lối cửa sau. Khi đi làm, anh chỉ tới hiện trường chụp ảnh rồi về, giữ khoảng cách an toàn với mọi người và không tới cơ quan làm việc. Công việc buộc phải giao tiếp nhiều, gần khu nhà lại có một ca dương tính với SARS-CoV-2 nên anh tự cách ly nghiêm túc từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng.
“Tôi tự cách ly để bảo vệ bản thân cũng như mọi người xung quanh, thể virus mới này có vẻ dễ lây lan hơn và còn rất khó lường nên tôi càng cần thận trọng. Để hoàn thành công việc, có những bộ ảnh đẹp, tin tức nhanh phục vụ độc giả, tôi không ngại sớm khuya, nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng cho bố mẹ già và em gái của mình”, Xuân Sơn chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, hiện thành phố có 118 cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú đang hoạt động với tổng số nhân sự là khoảng 800 người, trong đó có hơn 0 người đã được cấp Thẻ Nhà báo. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hiện trường, tại mỗi “điểm nóng” về phòng, chống dịch COVID-19 những ngày qua đều có hàng trăm phóng viên, nhân viên quay phim, biên tập viên tới tác nghiệp.
Đối với các phóng viên, biên tập viên việc có mặt trực tiếp tại hiện trường có giá trị rất lớn, tăng độ tin cậy, hấp dẫn cho tin tức. Khi độc giả, khán giả có niềm tin vững chắc vào báo chí chính thống thì những thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh sẽ không thể lan truyền. Các nhà báo tác nghiệp trong nguy hiểm là để góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cộng đồng; làm tròn trách nhiệm với xã hội, đất nước.
Cộng đồng hỗ trợ các nhà báo
Những ngày qua, cùng với hàng nghìn đoàn xe chở nhu yếu phẩm, thiết bị y tế hỗ trợ lực lượng chức năng Đà Nẵng chống dịch COVID-19 thì cũng có những chuyến hàng hỗ trợ riêng cho đội ngũ phóng viên trong vùng dịch. Đây là sự động viên, khích lệ vô cùng ý nghĩa và kịp thời cho các “chiến sỹ trên mặt trận thông tin”.
Sáng sớm 1/8, đoàn xe của các phóng viên đã chờ sẵn trên đỉnh đèo Hải Vân, tại chốt kiểm soát dịch giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừ Thiên -Huế để nhận chuyến hàng viện trợ từ Hà Nội chuyển vào. Trước đó, khi biết những khó khăn, vất vả của các nhà báo đang tác nghiệp trong vùng tâm dịch, Tập đoàn dược AIKYA PHARMA đã ủng hộ các vật tư y tế thông qua cầu nối là Văn phòng đại diện Truyền hình Quốc hội Việt Nam khu vực miền Trung. Số hàng viện trợ gồm: hơn 10.000 khẩu trang Nano kháng khuẩn các loại; 350 bộ đồ bảo hộ y tế, hàng trăm lọ nước sát khuẩn tay với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.
Nhà báo Thành Nam, Trưởng Văn phòng đại diện Truyền hình Quốc hội Việt Nam khu vực miền Trung, chia sẻ: “Tôi thật sự bất ngờ khi vừa chia sẻ lời kêu gọi hỗ trợ anh em báo chí tác nghiệp an toàn thì ngay lập tức có đơn vị ủng hộ. Nhà tài trợ cũng rất nhiệt tình khi vượt mọi khó khăn để tìm cách vận chuyển số hàng đến trao tận tay cho các phóng viên trong tâm dịch. Thật vui khi số đồ bảo hộ đáng quý này đến kịp lúc khó khăn nhất, giúp bảo đảm an toàn cho nhiều phóng viên, nhà báo hơn”.
Theo nhà báo Lê Phi, Trưởng đại diện Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại miền Trung, rất nhiều nhà hảo tâm đã tự nguyện đóng góp cho công tác tuyên truyền chống dịch của báo chí. Đến nay, hàng chục nghìn chiếc khẩu trang y tế, hơn 500 bộ đồ bảo hộ, nước sát khuẩn tay đã được trao tặng cho các cơ quan báo chí và các phóng viên ngay trong tuần đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng. Điều này co thấy sự quan tâm của cộng đồng tới những chiến sĩ trên mặt trận thông tin.
Trở lại với "tay máy" Viết Đức, tuy đã được TTXVN trang bị khá đầy đủ đồ bảo hộ chống dịch nhưng anh vẫn cảm thấy rất ấm lòng khi được hỗ trợ khẩu trang, quần áo chống dịch, nước sát khuẩn.
Những sẻ chia kịp thời và ý nghĩa của các đơn vị, cá nhân từ khắp mọi miền làm cho đội ngũ báo chí đang tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng vững tâm hơn, truyền tải kịp thời những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động về diễn biến dịch bệnh.