"Hành trình doanh nhân xưa và nay: Vì sự nghiệp ích quốc, lợi dân"

Chào mừng Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày 9/10, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm đào tạo tư vấn thông tin kinh tế CETAI và Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình "Hành trình doanh nhân xưa và nay: Vì sự nghiệp ích quốc, lợi dân".

Đây là hoạt động thường niên, nhằm ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam hưng thịnh "Ích quốc, lợi dân"; đồng thời nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam xưa và nay, giúp mỗi doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có lòng tự hào là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với lòng tự tôn dân tộc.


TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, trân trọng đón nhận lá thư của doanh nhân tiền khởi nghĩa Hoàng Thị Minh Hồ.

Gần 300 đại diện doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tham dự chương trình. Chương trình cũng được đón tiếp đại diện gia đình các doanh nhân, doanh nghiệp tiền khởi nghĩa. Đặc biệt, doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ- nhà công thương tiền khởi nghĩa duy nhất còn lại, người đã có rất nhiều đóng góp tiền bạc, công sức cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng đã gửi thư cho chương trình. Bức thư đã được TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, trang trọng đọc tại chương trình.







Dâng hương tại Đền Chử Đồng Tử- Tiên Dung.



Cùng thả chim bồ câu với lời nguyện ước hòa bình và "Quốc thái dân an", thả bóng bay với lời hứa hội tụ làm giàu kiến quốc của doanh thương hiện nay.

Năm nay, chương trình được tổ chức trải dài trong 1 ngày, tại 2 địa điểm: Hưng Yên và Hà Nội. Cụ thể, buổi sáng, các đại biểu và khách mời đã tới dâng hương Chử Đồng Tử- Tiên Dung tại đền Chử Đồng Tử Tiên Dung (huyện Khoái Châu, Hưng Yên); ông tổ của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thời nay; cùng thả chim bồ câu với lời nguyện ước hòa bình và "Quốc thái dân an", thả bóng bay với lời hứa hội tụ làm giàu kiến quốc của doanh thương hiện nay.  Vào buổi chiều, chương trình tôn vinh "Doanh nhân trên thảm đỏ" đã diễn ra tại  Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Cũng tại chương trình, BTC đã trao kỷ vật "Rồng thiêng uy linh đất Việt" cho các nhà công thương, doanh nhân có tâm, tài, trí, đức.



Trao kỷ vật "Rồng thiêng uy linh đất Việt" cho các nhà công thương, doanh nhân có tâm, tài, trí, đức.



Phát biểu khai mạc chương trình, PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch CLB Các nhà Công thương Việt Nam khẳng định: Kể từ năm 2004 đến nay, hơn 1 thập kỷ đã trôi qua, hằng năm doanh nhân Việt Nam lại có một "ngày của nghề" để tụ hội, giao lưu và tự hào về con đường doanh nhân mình đã chọn: Ngày 13/10, Ngày Doanh nhân Việt Nam. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi có sự nhìn lại hành trình lịch sử phát triển của doanh nhân Việt Nam. Điều này sẽ góp phần để cho mỗi nhà công thương, thương gia Việt Nam hôm nay có thêm niềm tự hào, động lực để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng".

PGS-TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, qua những bước thăm trầm của thời đại, doanh nhân đã được coi trọng, tôn vinh. Doanh nhân trở thành một tầng lớp xã hội mới, có sứ mạng ngày càng vẻ vang, được xã hội tin cậy, gửi gắm. Hơn lúc nào hết, doanh nhân cần tiếp tục được cổ vũ, động viên để vững vàng, kiên định, tăng cường bản lĩnh, trí tuệ hơn trên con đường nhiều thử thách của mình. 

Bức thư của doanh nhân tiền khởi nghĩa Hoàng Thị Minh Hồ.

Chương trình "Hành trình doanh nhân xưa và nay: Vì sự nghiệp ích quốc, lợi dân" được tổ chức với mục tiêu như vậy, tiếp thêm động lực cho doanh nhân trong sự nghiệp kinh doanh sản xuất. "Tại chương trình, chúng ta cùng nhìn lại hành trình của doanh nhân Việt Nam từ những ngày đầu dân tộc ta dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới. Những doanh nhân xưa rất đáng để chúng ta ghi nhớ và tôn vinh, bởi chính họ đã khơi nguồn cho dòng chảy vô tận của doanh nhân và kinh tế đất nước. Tự hào với doanh nhân ngàn xưa, chúng ta càng gắng sức hơn để làm sao xứng đáng với tiền nhân và quan trọng hơn là tạo thành một đội ngũ doanh nhân hiện đại hùng hậu, bao quát khắp mọi lĩnh vực lao động, sáng tạo ra mọi của cải phong phú cho xã hội, đưa nước ta vươn lên ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và các vùng trên thế giới", PGS-TS Đặng Văn Thanh khẳng định.
PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN