Những ngày giữa tháng 7/2022, chúng tôi tìm đến khu đất 2.000 m2 ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), nơi được chị Quyên thuê để chăm sóc những “bạn nhỏ” của mình. Nơi đây được xây tường cao, kê giường tre, dựng bạt, làm hố gas… Mỗi con chó, mèo khi cứu về đều có hoàn cảnh riêng nhưng hầu hết "các bé" đều bệnh, trên người có nhiều vết thương, hoảng loạn... bởi từng bị đối xử tệ trong các lò mổ.
Kể về hành trình của mình, chị Quyên tâm sự: “Cuối năm 2016, gia đình bị mất một con chó, sau đó cả nhà nháo nhào đi tìm. Thấy chỗ nào có bán chó, mèo tôi đều đi tới, chỉ mong tìm được con chó của mình. Thế nhưng, khi tới đó thấy các chú chó, mèo nằm trong lồng chờ bán với ánh mắt buồn, thấy tội quá nên tôi bắt đầu nghĩ cách cứu".
"Đầu tiên là đi cứu một con, hai con, năm con, rồi có khi giấu chồng đi cứu. Sau này tham gia hội nhóm, mỗi khi có chó, mèo cần giúp đỡ thì mình đăng lên cầu cứu. Khi mà số lượng lên nhiều quá, mọi người hỏi bây giờ cứu rồi ai nuôi thì tôi mới nói "nếu mọi người cứu thì tôi sẽ nuôi". Từ đó, công việc cứ cuốn tiếp tôi tới bây giờ, tính ra tới giờ tôi cứu cũng tổng cộng hơn 1.000 con”, chị Quyên cười tươi khi kể lại.
Chị Quyên chia sẻ thêm, mỗi lần tới lò mổ đều có nhiều cảm xúc, nhất là khi chị nhìn ánh mắt “tụi nhỏ”, chị cảm giác đó là ánh mắt đang cầu khẩn kêu cứu. Vì thế, mỗi lần "giải cứu" thành công là chị đều rất vui. "Nhớ có lần mình cầm chiếc xe để lấy tiền cứu các “bé”, nhưng quay lại thì lò mổ bán thịt mất, đó là lúc mình thấy rất buồn và bất lực”, chị Quyên rưng rưng nước mắt khi nghĩ lại.
Cũng theo chị Quyên, có thời gian rất khó khăn, nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các “bé” ở đây bữa đói, bữa no, ăn cháo nhiều hơn ăn cơm. Sau đó, chị nhắn tin cho những người bạn, những điểm bán thức ăn họ đồng ý chung tay, đồng hành hỗ trợ thức ăn nên các “bé” chó, mèo đã có miếng ăn no, không còn đói nữa.
“Cái khó khăn bây giờ mình cần bác sĩ thú y và người có kinh nghiệm đồng hành với mình. Vì tại đây, số lượng lớn chó, mèo được nuôi nhiều. Nếu 1 con bệnh sẽ lây lan cho những con khác. Mình cũng hy vọng, nơi này sẽ là nơi dành cho các bạn sinh viên thú y, các bạn thực tập tới chăm sóc, học hỏi, đó cũng là cái hay”, chị Quyên tâm sự.
Hiện thức ăn cho chó, mèo tại cơ sở của chị là 25 kg thịt, cá mỗi ngày; còn gạo là 65kg với chi phí hơn 60 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thuốc men khi chó, mèo bệnh. Ngoài công việc chính là bán hủ tiếu, chị cũng may mắn được các nhà hảo tâm, tình nguyện viên cùng chung tay giúp đỡ.
Là một trong những tình nguyện viên tham gia hỗ trợ, chăm sóc chó mèo, chị Lê Hoàng Thị Nguyên Chi (ngụ huyện Củ Chi) cho biết: “Tôi rất ngưỡng mộ tấm lòng của gia đình chị Quyên vì cứu giúp các “bé”, cũng mong rằng mọi người thay đổi thói quen ăn thịt những con vật như thế này để không còn cảnh trộm, cắp chó mèo hay phải giải cứu từ lò mổ”.
Ông Nguyễn Phước Trí, thợ làm cơ khí chung với ông xã chị Quyên, cũng là một trong những tình nguyện viên thường trực tại đây cho biết, công việc chính của ông Trí là nấu cơm, nấu thức ăn cho chó, mèo, dọn dẹp và vệ sinh cho các “chú” chó, mèo.
Hỏi ông về công việc “nội trợ” bất đắc dĩ này, ông cười bảo: “Thấy cực thiệt, có bữa làm tới 12 giờ đêm nhưng nhìn “tụi nó” mình cũng thấy vui, gặp tụi là nó chạy lại nó mừng, thấy vậy mình cũng quên hết mệt mỏi mà tiếp tục gắn bó với công việc này”.
Ngoài chị Chi, ông Trí đồng hành cùng chị Quyên, còn có 4 tình nguyện viên chạy shipper cũng tham gia hỗ trợ, chăm sóc các “bé” chó. Anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ Quận 12) chia sẻ: “Ngoài công việc chạy shipper, nhóm tình nguyện viên chúng tôi thường xuyên có mặt ở trại để hỗ trợ cùng chung tay với gia đình chị Quyên dọn dẹp lá cây, rác, phân, sửa chuồng trại, còn lại là hỗ trợ bác Trí cho ăn, tắm rửa chó. Tính đến nay, tôi cùng các tình nguyện viên trong nhóm đã hỗ trợ ở đây được gần 2 năm rồi. Thời gian tới, nhóm chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng chị Quyên để chăm sóc các “bé” chó, mèo”.