Nhiều hộ dân tại Sóc Trăng thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ cơ sở

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế xã hội, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Từ đó, ổn định sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên và thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng cây ăn trái ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) mang lại hiệu quả kinh tế nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Tuấn Phi/ TTXVN

Theo đại diện lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng,  đến cuối năm 2023, nguồn vốn tín dụng đạt trên 5.100 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tại chi nhánh đạt 5.154 tỷ đồng, tăng 707 tỷ đồng so với năm 2022, với trên 157.000 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng khẳng định và phát huy hiệu quả to lớn; vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 43.000 lượt hộ; giúp hơn 560 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi trả chi phí học tập; giúp hơn 1.400 hộ nghèo và 3.500 hộ cận nghèo, 10.500 hộ mới thoát nghèo và hơn 3.400 hộ có vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, xây mới và sửa chữa hơn 12.800 công trình nước sạch và 12.000 công trình vệ sinh, đặc biệt đã có hơn 150 hộ gia đình vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở từ chương trình nhà ở xã hội và 33 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và trật tự, an toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kế Sách (Sóc Trăng) khảo sát mô hình trồng cây ăn trái từ nguồn vốn tín dụng chính sách của hộ dân tại địa phương. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN 

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Sóc Trăng có dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thực hiện chương trình đạt 3.864 tỷ đồng, chiếm % tổng dư nợ; vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh); giải quyết nhu cầu căn bản, thiết yếu của đời sống người dân khu vực nông thôn như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 2.464 tỷ đồng, chiếm 47,63% tổng dư nợ. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: dư nợ đạt 1.434 tỷ đồng, chiếm 28%/tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hộ dân tộc thiểu số theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 56 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho 1.400 hộ nghèo và 3.500 hộ cận nghèo ở địa phương. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN 

Với những kết quả đã đạt được thời gian qua, trong năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phấn đấu hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn địa phương ủy thác và tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân.

Phấn đấu nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tối thiểu 10% so với năm 2020; 100% các huyện, thị xã, thành phố có chất lượng tín dụng đạt từ loại khá trở lên; 90% xã, phường, thị trấn xếp loại chất lượng tín dụng đạt từ khá, tốt trở lên; tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá đạt trên 90%.

Về giải pháp, đơn vị sẽ tích cực  tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.

Theo đó, năm 2024 ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh với số tiền 125 tỷ đồng (cấp huyện là 28 tỷ đồng, cấp tỉnh là 97 tỷ đồng) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần triển khai các nghị quyết đặc thù về chương trình mục tiêu quốc gia.

Tranh thủ nguồn vốn từ NHCSXH đảm bảo mức tăng trưởng tối thiểu 12% (tương đương 600 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng, giải ngân kịp thời đến khách hàng vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững.

PV (TTXVN)
Tích cực triển khai dự án sinh kế, giúp người dân miền núi thoát nghèo
Tích cực triển khai dự án sinh kế, giúp người dân miền núi thoát nghèo

Huyện miền núi Phú Lương là huyện tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN