Toàn tỉnh có 22.000 nạn nhân đã được giám định và công nhận pháp lý, trong đó có hơn 4.000 trẻ em được hưởng chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, hàng trăm đối tượng thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng gián tiếp hiện chưa được hưởng chế độ chính sách. Nhiều nạn nhân bị mắc các bệnh nan y, dị tật bẩm sinh, chết trong đau đớn hoặc không thể sống như con người bình thường. Nhiều gia đình có 2, 3 trẻ nhỏ bị ảnh hưởng, trong khi cha mẹ đã cao tuổi, sức yếu.
Ông Lại Văn Biên (sinh 1950) ở làng Tường An, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư buông màn cho hai con trai. Ông Biên chịu ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin khi chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ từ tháng 8/1972. Hai con ông là Lại Văn Mạnh (sinh 1982) và Lại Văn Đô (sinh 1984) đều bị bại liệt bẩm sinh; mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh của hai con đều do ông và vợ là bà Vũ Thị Thắm (sinh 1960) giúp đỡ. |
Bà Nguyễn Thị Tựa (sinh 1958) vuốt lại mái tóc đã nhiều ngày không gội cho con gái là chị Trần Thị Gương (sinh 1984) ở thôn An Lạc, xã Trung An, huyện Vũ Thư. Chị Gương mắc chứng bệnh tâm thần, mọi sinh hoạt đều diễn ra tại căn phòng nhỏ và cần sự giúp đỡ của mẹ. Bố chị Gương là ông Trần Thanh Bình (sinh 1954) chịu ảnh hưởng bởi chất độ da cam/dioxin khi tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng và Tây Nguyên. |
Chị Đoàn Thị Hồng Gấm (sinh 1977) nằm cô quạnh trong căn phòng trống khoảng 4m2 tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư. Do chịu ảnh hưởng chất độ da cam/dioxin, chị Gấm bị mù, mắc chứng tâm thần từ khi sinh ra, không thể tự ăn uống, vệ sinh, hoàn toàn trông đợi vào sự giúp đỡ từ người mẹ già. Cứ 1-2 ngày chị lại lên cơn co giật, đập phá lung tung. Bố chị, ông Đoàn Ngọc Uyển (sinh 1943 - mất 2015) là nạn nhân chất độ da cam/dioxin khi chiến đấu ở chiến trường Đắk Lắk, Bình-Trị-Thiên từ năm 19. |
Chị Lại Thị Hà (phải, sinh 1983, tại thôn Tân Hương, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư) với mẹ là bà Quảng Thị Ngoãn (sinh 1961). Chị Hà mắc chứng tâm thần bẩm sinh, lớn lên hoàn toàn trong chiếc cũi gỗ. Bố chị Hà là ông Lại Văn Hằng (sinh 1953) chịu ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin khi tham gia lực lượng pháo binh tại chiến trường Nam Bộ đầu năm 1975. |
Anh Nguyễn Văn Quân (sinh 1991) mắc chứng bại liệt toàn thân từ khi sinh ra tại thôn Nam Tiến, xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương. Ông Nguyễn Văn Toán (bố anh Quân, sinh 1955) có 3 người con đều là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. |
Hàng chục năm qua chị Đinh Thị Lương (trái, sinh 1965) ở thôn Đoàn Kết, xã Quang Bình, huyện Kiên Xương không có giấc ngủ nào quá 2 tiếng đồng hồ vì phải chăm sóc cả mẹ già và em gái Đinh Thị Nguyên (phải, sinh 1976). Chị Nguyên chịu ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin từ bố là ông Đinh Văn Thoan (sinh 1924, mất cuối năm 2010), bị tâm thần, ngày nào cũng lên cơn động kinh và sống hoàn toàn nhờ sự giúp đỡ của chị gái. |
Bà Bùi Thị Mậu (sinh 1944) bên cạnh hai con là anh Bùi Văn Vang (sinh 1975) và chị Bùi Thị Nguyệt (sinh 1983) tại thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng. Cả anh Vang và chị Nguyệt đều bị tâm thần bẩm sinh do ảnh hưởng chất độ da cam/dioxin từ bố là ông Bùi Văn Ơn (sinh 1942, mất 2002). Ông bà có 4 người con thì cả 4 người đều nhiễm chất độc da cam/dioxin (1 người đã mất, 1 người bỏ nhà đi). |
Ông Bùi Quang Giang (sinh 1948) bên cạnh con trai là anh Bùi Quang Khiêm (sinh 1978) ở Thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng. Ông Giang kể, anh Khiêm bị tâm thần, đập phá và hay bỏ nhà đi lang thang nên ông buộc phải giăng lưới sắt ở gầm cầu thang, nhốt con trai suốt 30 năm qua. Ngoài anh Khiêm, ông Giang còn có 2 con gái (1 người tâm thần và 1 người tàn tật) bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Ông Giang là chiến sĩ lái xe tại chiến trường Quảng Trị những năm 1970, hiện ông đang mang trong mình căn bệnh ung thư trực tràng. |
Ông Nguyễn Duy Vinh (sinh 1948, thôn Duyên Tục, xã Phú Lương, huyện Đông Hưng) chịu ảnh hưởng chất độ da cam/dioxin khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi những năm 1970. Cháu nội ông, bé Nguyễn Diệp Anh Thư (sinh 2006) bị bại não, là nạn nhân da cam/dioxin thế hệ thứ 3 nhưng hiện chưa được hưởng chế độ chính sách tương ứng. |
Gia đình ông Phạm Đăng Phán (sinh 1949), bà Nguyễn Thị Đào (sinh 1950) sống trong căn nhà tình nghĩa do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Hội Nạn nhân chất độ da cam/dioxin huyện Vũ Thư hỗ trợ xây mới tại Thông Phú Mãn, xã Song Lãng. Ông Phán mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị (1970-1971), hiện ông đang bị ung thư dạ dày, tiểu đường. Con gái ông là chị Phạm Thị Dịu (giữa, sinh 1985) bị bại liệt, tâm thần. |
Ông Lê Hồng Sơn (ảnh trái, sinh 1945, huyện Đông Hưng) chịu ảnh hưởng chất độ da cam/dioxin khi chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào, đường 9 Khe Sanh năm 1972. Ông và một người con gái bị thiểu năng trí tuệ, được công nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Cháu nội ông, bé Lê Hà (đã đổi tên, ảnh, sinh 2005) bị tăng động, đang học trường dành riêng cho trẻ tự kỷ, hiện chưa được nhận trợ cấp cho nạn nhân da cam/dioxin. |
Được thành lập từ năm 2011, Trung tâm tẩy độc (thuộc Hội Nạn nhân Da cam/dioxin Thái Bình) đã tiến hành điều trị có hiệu quả cho gần 80 đợt, với trên 1400 bệnh nhân là các thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin. |
Sau khi uống vitamin, các bệnh nhân tiến hành vận động và ngồi phòng xông hơi tẩy độc. Nhiều bệnh nhân cho biết sức khoẻ được cải thiện rõ rệt sau các liệu trình tẩy độc tại đây. |
Hơn 56 năm kể từ ngày Mỹ rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học xuống Việt Nam (10/8/1961), toàn quốc có gần 4,8 triệu người bị phơi nhiễm với khoảng 3 triệu nạn nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình là những người bất hạnh nhất, là những nhân chứng sống cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh và sự bức thiết phải đòi lại công bằng, lẽ phải. |