Ghi nhận tại các tuyến đường như Hoàng Sa, Trường Sa (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần (quận 3), Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú)… không ít miệng cống thoát nước bị rác thải sinh hoạt che kín.
Ngoài ra, trên các cầu và dọc các kênh rạch trên địa bàn nhiều quận ở TP Hồ Chí Minh cũng đang bị "bức tử" bởi tình trạng xả rác vô tội vạ che lấp các miệng cống thoát nước.
Một tảng đá to chèn miệng cống thoát nước trên đường Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú).
|
Nói về ảnh hưởng của rác thải đến công tác chống ngập, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh cho biết tình trạng ngập xảy ra trên địa bàn vừa qua là do một phần hệ thống cống thoát nước trên địa bàn được đầu tư, xây dựng từ lâu nên xuống cấp, hư hỏng, dẫn đến khả năng thoát nước bị hạn chế.
Ngoài ra, do một bộ phận người dân thiếu ý thức, đổ rác thải bừa bãi, thậm chí đổ rác ngay ở vị trí hố ga dẫn đến hệ thống cống bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Đặc biệt vào mùa mưa, lượng rác thải gây ra tắc nghẽn, ngập nước cục bộ.
Người dân bỏ rác thải chắn miệng hố ga thoát nước trên đường Lê Trọng Tấn đoạn gần giao lộ với đường Sơn Kỳ (quận Tân Phú).
|
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, cho biết mùa mưa có không ít tuyến cống trên địa bàn bị rác thải che lấp, các công nhân dọn vệ sinh phải dọn dẹp thường xuyên để xử lý các loại rác thải này nhưng vẫn làm không xuể.
Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo trung tâm cần tích cực kiểm tra thường xuyên, xử lý, phạt nặng hành vi đổ rác thải làm tắc hệ thống cống thoát nước. Đẩy mạnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để bảo vệ môi trường, chú trọng vào việc bỏ rác đúng nơi quy định… nhằm hạn chế tình trạng bỏ rác ngay các miệng cống thoát nước, gây ảnh hưởng đến công tác chống ngập.
Một cửa hàng thời trang vứt bỏ các hình ma-nơ-canh chắn hết miệng cống thoát nước.
|
Theo báo cáo của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã giải quyết được 3/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước do triều cường, 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều cường; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải... Theo đó, đến giữa nhiệm kỳ đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt 59% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện xóa 15 điểm ngập còn lại, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Rác thải tràn ngập kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình) gây tắc nghẽn dòng chảy.
|
Tại cuộc họp tình hình kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh gần đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để công tác chống ngập đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác quản lý và kết nối quy hoạch các điểm ngập để có giải pháp xử lý cụ thể. Tích cực mở rộng không gian trữ nước ở các địa bàn thường xuyên xảy ra ngập, quy hoạch các khu vực thoát nước nhanh, hiệu quả.
Người dân chặn nắp miệng hố ga trên đường số 8 (phường 11, quận Gò Vấp) khiến nước mưa không có lối thoát.
|
"Mặt khác, việc ngập nước có rất nhiều nguyên nhân, do triều cường dâng cao, lượng mưa lớn, hệ thống kênh rạch chưa được nạo vét, rác thải còn vứt bừa bãi, xây dựng lấn chiếm che lấp cống thoát nước, hệ thống thoát nước còn hạn chế, công tác quản lý chồng chéo, chưa phối hợp đồng bộ… Vì vậy, các đơn vị liên quan cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các nguyên nhân trên nhằm kéo giảm các điểm ngập trên địa bàn", ông Phong cho biết thêm.