Khoảng 600 người, chủ yếu là công chức trung lưu và gia đình của họ, đang sống trong khu tập thể đổ nát thuộc sở hữu của chính phủ nằm ở gần khu phố Worli.
Trẻ em chơi bên ngoài căn hộ của chúng dọc theo các hành lang với lan can rỉ sét, thậm chí là đã “biến mất” và chỉ được rào lại tạm bợ bằng vải vụn, thanh tre và dây thép. Anil Aiwale, một công chức đã sống cùng gia đình trong khu tập thể này 5 năm qua, tâm sự: “Việc thiếu các lựa chọn hợp túi tiền khiến mọi người phải tiếp tục sống trong các công trình rủi ro cao”.
Theo dữ liệu từ Anarock Research, Mumbai - thủ phủ của bang Maharashtra - là thành phố đông dân nhất Ấn Độ đồng thời là nơi bất động sản đắt đỏ nhất quốc gia tỷ dân này.
Trong quý I năm nay, giá bất động sản cao cấp tại Mumbai ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm nhanh thứ sáu trên toàn cầu, chỉ sau Singapore và đứng trên Thượng Hải (Trung Quốc).
Một số gia đình sống ở khu tập thể tại Worli, nơi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa gió mùa đổ bộ vào Mumbai từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, cho biết thống kê này càng củng cố quyết tâm ở lại của họ, bất chấp rủi ro. Do dãy nhà hướng ra biển nên tường, cửa nhiều căn hộ đã bị thấm nước, ẩm mốc.
Một cư dân có tên Sumit Shinde nói: “Thật nguy hiểm, đặc biệt là với phụ huynh và trẻ em. Nhưng tôi, hay bất kỳ gia đình trung lưu nào, không thể mua một ngôi nhà mới ở Mumbai. Nó vô cùng đắt đỏ”.
Tùy thuộc vào quy mô căn hộ của họ tại khu tập thể, cư dân phải trả từ 8.000 đến 13.000 rupee (2,3 triệu-3,7 triệu đồng) tiền thuê một tháng cho chính quyền bang. Chính quyền địa phương đã tuyên bố khu tập thể này không an toàn và yêu cầu những người cư ngụ rời đi, đồng thời tạo điều kiện để họ đến nơi ở thay thế tại khu ngoại ô.
Một số cư dân khu thập thể cho biết việc ra ngoại ô sẽ tăng chi phí và thời gian di chuyển của họ đến nơi làm việc tại Worli.
Anh Anil Aiwale nhận xét: “Vị trí của tòa nhà này rất tuyệt, thuận tiện để đi làm. Nhà ở giá cả phải chăng là không thể tìm thấy ở một thành phố như Mumbai”.