Trong đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, Phòng CSGT đường thủy Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tuyên truyền đến người dân là chủ phương tiện, bến khách ven sông tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) về luật giao thông đường thủy; đồng thời thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trực tiếp cho người dân.
Theo Phòng CSGT đường thủy, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trên đường thủy; phát hiện, xử phạt hành chính gần 2.000 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Nhờ đó, tai nạn giao thông đường thuỷ giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Chị Lê Thị Ngọc Hà, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, chia sẻ: “Hầu hết người dân ở đây chuyên dùng vỏ thuyền composite, cũng muốn đăng ký vì cần giấy tờ để đi lại nhưng đang gặp khó khăn về bản thiết kế. Phải có bản thiết kế thì mới có thể đăng kiểm phương tiện được. Chúng tôi cũng rất mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho dân được đăng kiểm”.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Theo quy định luật đường thủy nội địa, tất cả các phương tiện khi đăng kiểm phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm phê duyệt. Tuy nhiên, một số trường hợp bà con đi mua phương tiện từ cơ sở đóng mới về không có thiết kế, do vậy gặp khó khăn trong việc thực hiện đăng kiểm. Để đăng kiểm được, bà con phải liên hệ với đơn vị thiết kế tàu thủy để làm bộ bản vẽ thiết kế, tuy nhiên giữa bà con và đơn vị thiết kế còn gặp nhiều khó khăn trong công tác liên hệ với nhau. Trung tâm Quản lý đường thủy cũng đã phối hợp UBND huyện Cần Giờ đã lên danh sách tổng hợp để gửi lên Trung tâm đường thủy, sau đó Trung tâm sẽ tổng hợp báo cáo Cục đăng kiểm Việt Nam để xem xét và cấp phép cho bà con”.
Theo ông Dũng, trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 6.000 phương tiện đang thực hiện đăng ký, phần lớn các phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định. Riêng các phương tiện nhỏ, có công suất máy dưới 135 sức ngựa, trọng tải toàn phần dưới 200 tấn và phương tiện chở dưới 50 hành khách phần lớn là phương tiện gia dụng của bà con sinh sống trên vùng sông nước, hoạt động không thường xuyên, tập chung chủ yếu ở vùng Nhà Bè, Cần Giờ và ít tham gia kinh doanh vận tải. Với các phương tiện này, phần lớn không được đăng ký, đăng kiểm hoặc đã được đăng ký, đăng kiểm nhưng lại hết hạn không gia hạn lại. Hàng năm Trung tâm cũng tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con chấp hành nghiêm về thực hiện đăng ký, đăng kiểm khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn trên sông nước.
“Hiện nay, Trung tâm Quản lý đường thủy đang quản lý 88 tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, với khoảng 550 km đối với tuyến đường thủy địa phương và 5 tuyến đường thủy Trung ương với chiều dài gần 57 km. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các phương tiện đường thủy và hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về TP Hồ Chí Minh hoạt động ổn định. Trong những tháng cuối năm 2023, đặc biệt vào mùa mưa bão, Trung tâm phối hợp với các ban ngành, các địa phương để tổ chức tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là các bến khách ngang sông nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn, tuân thủ thời tiết khi đưa khách qua sông… Không xuất bến trong trường hợp có tin bão hoặc thời tiết xấu. Các trạm quản lý đường sông đều đi kiểm tra các bến khách ngang sông và yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện khi vận tải hành khách phải nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, cũng như đảm bảo tất cả các điều kiện khi tham gia giao thông”, ông Dũng cho biết.