Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.H.T (1990, ngư dân trên tàu cá tỉnh Bình Định), trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Sơn Ca khoảng 100 hải lý, sau lần thứ 4 lặn xuống vùng biển sâu hơn 20m để gỡ lưới, anh T. bị chuột rút nên ngoi nhanh lên mặt nước. Sau khoảng 30 phút, anh xuất hiện tình trạng lạnh toàn thân, ngất lịm 15 phút, đau ngực, liệt và mất cảm giác 2 chân.
Bệnh nhân được tàu cá chở vào Bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu trong tình trạng tiếp xúc chậm, mệt mỏi nhiều, đau ngực, bụng chướng, liệt và mất cảm giác 2 chân, bí tiểu, chẩn đoán bị giảm áp cấp tính tuýp 2, mức độ nặng do lặn sâu, theo dõi vỡ phổi.
Quân y đảo Sơn Ca đã cho bệnh nhân thở oxy, đặt thông tiểu, truyền dịch, thuốc chống đông, kháng sinh. Sau 1 giờ cấp cứu, bệnh nhân vẫn còn mệt nhiều, liệt 2 chân, mất cảm giác từ rốn trở xuống. Bệnh xá đảo sau khi hội chẩn Telemedicine với Bệnh viện Quân y 175 đã thống nhất chẩn đoán, bệnh giảm áp tuýp 2 mức độ nặng do lặn sâu, biến chứng hạ liệt và rối loạn cơ vòng.
Bệnh nhân được bổ sung điều trị chống viêm bằng Corticoid, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn và tình trạng yếu liệt. Tiên lượng rất nặng, nguy cơ tổn thương thần kinh tiến triển, hôn mê, suy hô hấp nếu không được điều trị đặc hiệu tại cơ sở chuyên khoa, Bệnh viện đề nghị chuyển bệnh nhân về tuyến sau nhanh bằng trực thăng càng sớm càng tốt.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân L.V.L (1972, quê quán tại Quảng Ngãi) chẩn đoán đột quỵ bán cầu não trái nghĩ nhiều đến xuất huyết não, tăng huyết áp kịch phát ngày thứ 11. Trước đó, ngày 16/9/2024, bệnh nhân bị ngã, đau đầu, yếu tay chân, mất cảm giác người bên phải. Đến 17 giờ 20 cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào Bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, da niêm mạc nhợt, phản xạ đồng tử hai bên rõ; sức cơ tay phải \, chân phải 4/5, mất cảm giác nửa người bên phải.
Trong thời gian nằm điều trị tại bệnh xá có thời điểm ý thức kém, mạch bệnh nhân xuống thấp, đau đầu nhiều, sức cơ tay chân phải 2/5. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu nên hướng xử trí tiếp theo chuyển bệnh nhân về đất liền điều trị.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ quốc phòng, 17 giờ ngày 26/9, máy bay trực thăng EC225 mang số hiệu VN-8619 của Binh đoàn 18, do cơ trưởng Trung tá Đỗ Hoàng Hải cùng Tổ Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175, do Trung tá Diệp Hồng Kháng, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực làm tổ trưởng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đảo Sơn Ca để đưa hai bệnh nhân trên về đất liền điều trị.
Đến khoảng 22 giờ 15 phút ngày 26/9, Tổ Cấp cứu đường không đã tiếp cận 2 bệnh nhân tại đảo Sơn Ca. Sau khi thăm khám, đánh giá, xử trí cấp cứu tại chỗ ổn định, báo cáo và xin ý kiến chỉ huy bệnh viện, nhận định bệnh nhân đủ điều kiện vận chuyển đường không và quyết định đưa hai bệnh nhân lên máy bay.
“Quá trình vận chuyển bằng trực thăng hơn 5 giờ trong điều kiện bay đêm, có dừng tại đảo Trường Sa lớn để nạp thêm nhiên liệu. Các bệnh nhân được theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn, các chỉ số về tri giác, hô hấp, mạch, huyết áp và tình trạng yếu liệt tạm ổn định, không tiến triển nặng thêm. Tổ cấp cứu đã duy trì các biện pháp hồi sức, bổ sung các thuốc theo chuyên khoa, phối hợp tổ bay điều chỉnh tốc độ bay và độ cao máy bay, phù hợp với bệnh nhân có bệnh lý giảm áp và đột quị não”, Trung tá Diệp Hồng Kháng chia sẻ.
Ngay khi hạ cánh xuống toà nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 đưa hai bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu, nhanh chóng tiến hành làm các xét nghiệm đặc hiệu, triển khai hội chẩn viện để đưa ra chẩn đoán xác định và điều trị chuyên sâu kịp thời.