Cụ Phạm Trọng Yêm, 81 tuổi, người trông coi miếu, giải thích cho chúng tôi bí mật này: Những người thợ tài hoa của làng nghề chạm khắc nổi tiếng ở đây đã làm làm một hệ thống con lăn và tay đòn ở dưới bệ điện thờ. Hệ thống này có khả năng làm bức tượng chuyển động, các thanh truyền động gắn với cửa điện thờ, hoạt động khi mở và đóng cửa.
Điều này đã làm nên nét riêng độc đáo cho ngôi miếu có lịch sử gần ngàn năm này. Bức tượng đã trên 500 tuổi, cao 1,6 m, là bức tượng hiếm gặp trong số những bức tượng hiện có ở Việt Nam. Miếu Bảo Hà được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1991.
Linh Lang đại vương là thành hoàng của miếu Bảo Hà. Tương truyền, ngài là hoàng tử Hoàng Chân, một danh tướng thời Lý. Khi giặc Tống xâm lược, hoàng tử Hoàng Chân đã về đây dựng đồn binh chống giặc. Khi ngài mất, người dân ở đây đã dựng tượng, lập miếu thờ trên đất đồn binh xưa. Các triều vua sau này có sắc phong ngài là thượng đẳng thần.
Miếu Bảo Hà còn thờ ông tổ nghề tạc tượng Nguyễn Công Huệ, người dã có công dạy và truyền nghề cho người dân ở đây. Khoảng đầu thế kỷ 15, thời kỳ nhà Minh đô hộ, Nguyễn Công Huệ khi bị bắt đi phục dịch ở phương bắc, chú tâm học các nghề tạc tượng, sơn mài và châm cứu.
Sau đó, khi về nước, ông đã truyền nghề cho dân địa phương. Nhờ đó, đời này qua đời khác, Bảo Hà nổi tiếng với những người thợ tài hoa. Nhiều bức tượng thờ ở các chùa lớn như chùa Mía, chùa Thầy... đều do những người thợ Bảo Hà tạc nên.
Nghề tạc tượng ngày nay vẫn là niềm tự hào của người dân Bảo Hà. Thợ tạc tượng ở đây vẫn đi làm ăn xa, nhận các đơn đặt hàng từ nhiều nơi trong cả nước. Bảo Hà hiện nay vẫn hơn 200 gia đình làm nghề tạc tượng, với nhiều sản phẩm phong phú như tượng phật, tượng thánh, các đồ thờ cúng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi các nước ở Đông Âu. Đây cũng là một điểm du lịch hấp dẫn ở ngoại thành Hải Phòng.
Theo ông Phạm Trọng Yêm, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Bưởng, một nghệ nhân tạc tượng có tiếng của Bảo Hà. Gần 70 tuổi, ông Đỗ Bưởng đã dành gần như cả đời mình theo nghề. Ông không thể nhớ hết mình đã tạc bao nhiêu bức tượng cho khách hàng ở mọi miền. Chúng tôi đã gặp ở nhà ông khách từ phương xa đến đặt làm tượng cho người thân. Trên sân nhà ông bày các bức tượng đang làm dở.
Ông nói "Chúng tôi sống với nghề cha ông truyền lại và không bao giờ quên ơn tiên tổ đã truyền nghề cho người dân Bảo Hà. Chúng tôi cũng sẽ truyền lại cho lớp trẻ để nghề tổ được duy trì mãi mãi!".
Miếu Bảo Hà cách không xa nhà ông Đỗ Bưởng. Quãng đường ngắn qua thôn, chúng tôi nghe đây đó vang lên tiếng đục chạm gỗ trong các nhà. Sự kính trọng, lòng biết ơn với tiền nhân của người Bảo Hà đã tạo nên bức tượng Linh Lang đại vương có thể chuyển động, nét độc đáo cho nơi thờ phụng linh thiêng qua nhiều đời ở đây.