Ghế gỗ, bàn gỗ, thấp lè tè, đánh véc ni nâu bóng. Có một chút hoài niệm ở đây... |
Tầng 2 quán lặng lờ xa cách với cái chút dù sao cũng ồn ào của tầng 1. Ghế gỗ, bàn gỗ thấp nhỏ le te đúng cái chất của quán cà phê xưa, đánh véc ni nâu bóng, sao mà cổ kính. Cái miếng gỗ ốp tường cũng rất “mậu dịch” ngày xưa. Chưa kể tranh, toàn tranh của các họa sĩ cũng rất xưa, có phải tranh gốc không thì cũng không khách nào quan tâm, đơn giản vì có tranh để ngắm là ổn rồi. Với lại, giờ cũng ít người có thời gian ngắm tranh.
Tầng 2 cà phê Lâm số 91 phố Nguyễn Hữu Huân là thế.
Ngoài kia mưa bụi tháng ba. Hà Nội lép nhép, ẩm ướt và khiến người ta thèm nắng, thèm khô, thèm nằm nhà, thèm ươn ao nghe nhạc và ngủ nướng trong chăn.
Nhưng không phải ai cũng yên vị thế. Vẫn có những người phải ra đường và buổi trưa quyết tìm một chỗ để trú chân, có thể một mình, có thể cùng bạn, có thể ồn ào, có thể yên lặng.
Một chàng trai với chiếc máy tính, cốc nước lọc và cốc cà phê đen.
Một cặp đôi mỗi người cũng một máy tính, chúi vào làm việc, không thấy nói gì với nhau, giấy tờ bộn bề cả mặt bàn nhỏ.
Một người đàn ông cũng trung trung tuổi, ngồi một lúc sốt ruột nhìn ra cửa, rồi người bạn cũng đến, đổ xòa ra bàn bộ cờ tướng, họ chơi say sưa, có lúc ồn ào, náo nhiệt; có lúc chỉ lanh tanh tiếng những quân cờ, thở khói thuốc phì phèo vì suy nghĩ.
Một người thanh niên, mệt mỏi đến, chọn cái góc khuất là, ngồi phịch xuống, mở nắp hộp bánh vừa mua ở cửa hàng bánh bên cạnh, nghiến ngấu ăn, chắc tại trưa vẫn chưa có gì lót bụng, rồi sau đó; cắm mặt vào ipad, mặc cho cốc nước lọc cùng cốc cà phê vừa được chị nhân viên trung tuổi bê lên, đặt phịch xuống bàn.
Một đôi bạn bè chưa già nhưng chơi với nhau cũng đã lâu niên, ngồi với bạc sỉu, cà phê nhiều sữa và đĩa hạt hướng dương, cắn tí tách, say mê với những câu chuyện thế sự.
Ai ồn ào, ai lặng yên; ai phả khói, ai sợ mùi thuốc lá… không ai “phạm” đến ai cả, trong cái không gian quán đủ ấm cúng, nhưng cũng đủ rộng để riêng tư. Và ở nơi đó, dù lúc bạn lên lặng tờ, không ai nói với ai câu nào; rồi bạn vào, làm náo nhiệt không gian; cũng không ai vì thế khó chịu. Ồn ào hay yên lặng, không ai để tâm, việc ai nấy làm, cảm xúc ai nấy giữ.
Cà phê không phải quá ngon, nhưng không vị khách nào lấy đó làm "trọng". |
Không phải vì cà phê ngon, cà phê chỉ là uống tạm. Không phải vì quán quá đẹp, quán giống như một góc hoài niệm xưa. Không phải vì nhân viên quá nhiệt tình, chu đáo; ở đây khi bạn có yêu sách là dễ bị bảo “chỉ có thế thôi”. Cũng không phải vì một kỷ niệm nào đó bạn đã từng có, ở nơi này mọi cảm xúc đến và đi ngay khi bạn rời khỏi, bởi cái thanh thản bạn có được sau khi rời đi, bởi cái thoải mái bạn có được sau khi vừa đến.
Vậy thì cái gì khiến bạn cứ chọn, cứ ngồi, cứ uống, cứ cắn hạt hướng dương, cứ nói chuyện, cứ chơi cờ, cứ làm việc, cứ mặc bàn mặc ghế cũ kỹ, cứ mặc tranh mặc ảnh treo kín mặt tường? Cũng không biết trả lời là cái gì, nhưng chỉ biết giống như một “đặc trưng”, một biểu tượng của Hà Nội, cà phê Lâm tồn tại tới nay đã 65 năm, kể từ ngày ra đời ở vườn hoa Chí Linh, mang tên chính chủ nhân của nó là cụ Nguyễn Văn Lâm, và nay thành biết bao cơ sở, do con cái cháu chắt của cụ mở… chấp chứa bao con nghiện cái không khí cà phê phố cổ, cái không khí Hà Nội lặng lẽ và lắng sâu.
Không nghĩ nhiều, không thắc mắc nhiều, chỉ là có một chỗ để đến, khi buổi trưa buồn chân và trời mưa lâm thâm đón hoa sưa, hoa loa kèn cho Hà Nội vào mùa rất đẹp…