Chàng ngư dân đạp xích lô

Đầu tháng 5, hoa phượng nở đỏ rực trên con đường ẩm thực sầm uất của phố biển. Hàng quán hai bên đường nhộn nhịp, ánh đèn đêm lấp lánh sáng trưng trong cơn gió lạnh bất ngờ đổ về, sau những ngày nắng gắt.

Chú thích ảnh
Lẫn trong dòng người đông đúc của phố biển là người đạp xích lô cần mẫn mưu sinh.

Lẫn vào trong phố đêm, giữa nườm nượp người, xe điện, ô tô, xe máy, là cần mẫn những chiếc xích lô, của đa phần là những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi. Một vòng quanh các các bãi biển, chợ hải sản, khu vui chơi,... là một trăm năm mươi ngàn đồng, bằng một nửa tiền nếu ngồi xe điện. Các quãng ngắn thì một vài chục ngàn đồng, họ có thể len lỏi vào các hàng quán trong ngõ để khách mua đồ, nhiệt tình và kiên nhẫn chờ đợi.

Tráng là một trong số những người đàn ông trẻ chạy xích lô chở khách du lịch, nhưng điều đặc biệt anh chàng là ngư dân thứ thiệt, đạp xích lô chỉ là nghề phụ. Mỗi năm, từ tháng chín năm này đến khoảng cuối tháng tư năm sau thì theo thuyền đi đánh cá ở vùng biển phía Bắc, mé Quảng Ninh, Hải Phòng. Phía đó, vùng biển nước sâu, đánh bắt nhiều loại hải sản quý, giá trị kinh tế cao. 

Tráng theo tàu công suất trên trăm mã lực của người họ hàng, cùng khoảng trên chục ngư dân khác, mỗi chuyến đi chừng một tuần rồi về, các chuyến nối nhau. Hết mùa đánh cá, Tráng quay về nhà, lại khoác trên mình chiếc áo đồng phục của đội xích lô phố biển, đạp xe chở khách du lịch ở bãi biển quê hương, đúng lúc du lịch vào mùa. Một năm với lịch trình đều đặn như thế, đã trở thành guồng quay cuộc sống, thể như bốn mùa xuân hạ thu đông, không thay đổi với Tráng, cũng như những người đàn ông ngư dân - đạp xích lô ở vùng biển này.

Kinh nghiệm đi biển cho Tráng vốn hiểu biết về các loài hải sản, nên khách đi xích lô muốn mua gì, đặc sản nào, anh chàng đều chỉ dẫn nhiệt tình, chở đến những quán hàng có thức ngon, rồi lui ra một góc chờ đợi. - Chị mua mực khô à, nhớ là mua con nào mình dầy, màu trắng ấy, đấy là mực mới, con mà màu đã ngả sang hơi đen là mực lâu rồi. Nem chua hả, đây quán này, ngon lắm, nhớ hỏi kỹ ăn ngày nào để lấy cho ngon, về đến nhà nem chín là vừa; bánh đặc sản à, có quán này nhé. Đi chừng ba mươi phút thì khách đã có thể mua đủ những thứ mong muốn. 

Ba mươi lăm tuổi, với mười sáu năm đi biển, nhiều năm trước đó làm đủ thứ nghề, lăn lộn trong Nam ngoài Bắc. “Mỗi lần đi biển về, nhà em lại “tòi” ra một đứa chị ạ”, anh chàng không giấu giếm khi tôi hỏi về con cái. Hai gái, một trai, đứa lớn nhất lớp bảy, đứa thứ hai học lớp năm, đứa thứ ba năm nay bảy tuổi. 

Nhà Tráng trong khu chợ hải sản, mặt sàn rộng chừng tám chục mét vuông, xây lên hai tầng. Ông bà nội, vợ chồng con cái ở thoải mái, vẫn còn phòng trống để mỗi mùa du lịch bạn bè có thể ghé ở. Vợ Tráng làm nghề bán mực tươi, thế là thành một hộ gia đình đặc thù của thành phố biển. 

Đất làm nên người, người là kết tinh của vùng đất. Mỗi người như Tráng, vừa là anh chàng đạp xích lô chở du khách, vừa là một ngư dân, ngoài nỗ lực mưu sinh thì cũng chính là một “hoa tiêu” du lịch, đang ngày mỗi ngày làm cho du lịch biển nơi họ sinh ra và lớn lên được nhiều du khách biết tới, theo một cách riêng, tự nhiên và tự thân, mà vô cùng hiệu quả.

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Khai mạc mùa du lịch biển Đà Nẵng năm 2022
Khai mạc mùa du lịch biển Đà Nẵng năm 2022

Tối 30/4,  tại bãi biển Mỹ An, thành phố Đà Nẵng), Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức khai mạc chương trình "Mùa du lịch biển Đà Nẵng năm 2022" và khai trương "Bãi biển đêm Mỹ An".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN