Đau đầu lo chỗ chơi hè cho con

“Hè này cho con chơi gì?” là một câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm. Đặc biệt, đối với phụ huynh ở thành phố, câu hỏi này khiến nhiều gia đình đau đầu với việc quản lý con.

Chị Nguyễn Thị Minh (phố Quán Thánh, quận Ba Đình) có hai con ở độ tuổi cấp I than thở: “Con nghỉ hè nhưng bố mẹ vẫn đi làm bình thường. Chưa đến hè nhưng gia đình tôi đau đầu lo chỗ chơi, chỗ học hè cho con. Bố mẹ chúng tôi đều ở quê và đã hơn 70 tuổi rồi nên các cháu không thể về quê lâu được. Năm ngoái, tôi cho con học ngoại khóa ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Thời gian còn lại hai chị em trông nhau ở nhà. Nhưng những lần về giữa buổi tôi thấy con ngủ nhiều, hết xem ti vi lại đọc truyện. Tôi luôn cảm thấy không yên tâm. Công việc của tôi khá bận nên việc đi về giữa nhà và chỗ làm quả là thử thách giữa trưa hè nóng bức. Chưa kể, trong ngày tôi có vài lượt đưa đón con đi học vẽ, học bơi, học múa…”.

Một buổi học kỹ năng nằm trong chuỗi trại hè được nhiều phụ huynh ở Hà Nội quan tâm. Ảnh: TH

Còn chị Nguyễn Minh Trang (Chung cư VOV, Khu đô thị Mễ Trì, quận Từ Liêm, Hà Nội) lại có lựa chọn nghỉ hè dễ dàng hơn. “Trường mầm non của con tôi cho nghỉ hè 12 ngày. Ông bà hai bên dịp hè nào cũng mong cháu về quê. Tôi cho cháu về quê với ông bà 1 tháng. Ở quê không khí trong lành, trẻ con chơi được nhiều với nhau. Hơn nữa, con nhận biết được những gắn bó tình cảm giữa ông bà và họ hàng. Tuy được nhiều mặt nhưng tôi buộc phải bỏ qua những điểm chưa hài lòng như: con thường xuyên ăn kẹo, bim bim. Ông bà chăm sóc cháu một cách quá mức như: cơm bưng, nước rót. Mỗi lần hè xong, những thói quen tự lập của con lại phải rèn lại”.


Trước thực tế này, vài năm trước tại các chùa ở khu vực lân cận Hà Nội tổ chức các khóa tu mùa hè, các Tập đoàn lớn, đơn vị quân đội tổ chức trại hè trong quân đội. Nhưng sau vài năm trải nghiệm, những hệ lụy là không tránh khỏi. Đó là việc chưa chuẩn bị tâm lý với sự khác biệt quá lớn về sinh hoạt, kỹ năng để trẻ thích ứng. Vì thế, trẻ đối mặt nhiều với sự sợ hãi nhiều hơn là học được sự rèn luyện.


Xu hướng trại hè trong quân đội, nội trú đã hạ nhiệt thì nhiều trường học, các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dạy năng khiếu mở các câu lạc bộ hè, trại hè đi về trong ngày. Những hình thức này phù hợp với các em học sinh ở độ tuổi cấp I, cấp II. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ khả năng chi trả. Các mức tiền phải đóng trung bình từ 4- 10 triệu đồng/khóa. Mỗi khóa có thể là 12- 15 ngày.


Chị Nguyễn Thị Minh (phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Năm nay, tôi tìm được một trại hè ở trên đồi gần Hà Nội rất ưng ý. Các con vừa được trải nghiệm đồng quê, vừa được dạy tìm hiểu về thế giới thiên nhiên, được học về kỷ luật. Bên cạnh đó, trường cũng đã lồng ghép các môn nghệ thuật để học sinh được tiếp cận một cách tự nhiên, không gượng ép. Đã 1 tuần trôi qua, tôi thấy hai con rất hào hứng. Tuy nhiên, để tham gia trại hè này tôi đã phải cân nhắc rất nhiều về kinh tế. Mỗi cháu tôi phải chi 9 triệu đồng/tháng (bao gồm học phía, tiền ăn, xe đưa đón)”.


Lý giải về hiện tượng này, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh giáo dục tại Nhật Bản cho biết: “Hè đến trẻ con thành phố rơi vào trạng thái “bơ vơ” là do sự tan vỡ của cấu trúc xã hội truyền thống diễn ra quá nhanh, trong khi cấu trúc mới chưa kịp hoàn thiện. Trong các gia đình truyền thống với nhiều thế hệ cùng chung sống, học sinh có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các thế hệ đi trước. Ông bà cũng sẽ trở thành người chăm sóc và vui chơi với trẻ trong các kì nghỉ hè. Tuy nhiên, công nghiệp hóa, đô thị hóa dần dần biến các gia đình trở thành các gia đình hạt nhân, nơi chỉ có bố mẹ và con cái, nghỉ hè, con cái trở về gia đình thì bố mẹ vẫn phải bận rộn với công việc”. 


Từ thực tế này, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng: “Vấn đề lớn của chúng ta là trong khi xã hội đã biến đổi, hệ thống ứng phó với nó lại chưa xuất hiện hoặc chưa hoàn thiện. Nếu như ở Nhật có hệ thống các câu lạc bộ ở trường, địa phương để học sinh đến sinh hoạt dịp hè, thì ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa có nó trong tư cách một hệ thống có triết lý đầy đủ. Do đó, mọi hoạt động có tính chất câu lạc bộ để trẻ em phát triển toàn diện và trải nghiệm đời sống xã hội vẫn phải dựa vào sự linh hoạt, tháo vát của phụ huynh. Chúng ta chưa tạo dựng được một hệ thống có thiết lập sự liên kết tốt và hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội địa phương. Đó là vấn đề không thể bỏ qua khi tiến hành cải cách giáo dục”. 


HA/ Báo Tin tức
Khai giảng Trại hè ‘Live in Farm’ 2018
Khai giảng Trại hè ‘Live in Farm’ 2018

Trại hè “Live in Farm” do Viettel tổ chức được khai mạc sáng 29/5 tại Trường Spring Hill.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN