Hội thảo mang tên “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Cách đây hai năm, ngày 19/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp: Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (gọi là Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa), nhằm chung tay hành động để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua việc đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn, quản lý vòng đời sản phẩm và tiếp cận các nguồn nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng trong suốt 2 năm qua, Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa đã triển khai các hoạt động thiết thực, bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành quả tích cực.
Với nhiệm vụ 1 “Phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa”. Các thành viên của là Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa đã hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa. Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật - giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.
Với nhiệm vụ 2 “Truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động từ người dân”. Nhiều chương trình hành động phối hợp với các đối tác đã được thực hiện, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thói quen của người dân đối với rác thải nhựa. Hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã, 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội. Các hoạt động giáo dục học sinh và hướng dẫn thu gom rác thải được tiến hành tại 32 trường học, tiếp cận hơn 15.000 học sinh tại Hà Nội và hơn 1.300 học sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chiến dịch “Hãy làm sạch bờ biển” thu hút sự tham gia của hàng ngàn sinh viên, tình nguyện viên nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi và cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển. Hơn 50 cơ quan bộ ngành cũng tích cực truyền thông và lan tỏa cho dự án, bằng việc sử dụng 1.700 thùng rác đặc biệt sản xuất từ 30 tấn rác thải nhựa tái chế, có chức năng phân loại rác tại nguồn. Tổng thể, các dự án đạt hơn 12 triệu lượt tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng.
Với nhiệm vụ 3 “Áp dụng công nghệ - đổi mới và giải pháp tái chế trong quản lý rác thải nhựa”. Các công nghệ và giải pháp khoa học từ các quốc gia tiên tiến liên tục được các thành viên Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa nghiên cứu và ứng dụng, với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bao bì và hạt nhựa tái chế, như: biến rác thải nhựa thành vật liệu có ích trong xây dựng đường giao thông, thay thế từ 8 đến 10% nhựa đường trong công trình “Đường nhựa tái chế”, sản xuất bao bì có thể tái chế…
Với nhiệm vụ 4 “Đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa”. Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa đã tham gia vào Tổ Công tác trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng (EPR), phối hợp cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường tuyên truyền phổ biến và tập huấn quy định về EPR, trực tiếp trao đổi và kêu gọi sự hỗ trợ từ cấp chính quyền địa phương để triển khai và thúc đẩy các mô hình thu gom phân loại rác tại địa phương, trường học.
Cũng tại hội thảo, Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa đã chào đón 24 thành viên mới gia nhập, ngoài 4 thành viên sáng lập ban đầu.