Đèo Lo Xo dài hơn 20 km trên đường 14 có tiếng là hiểm trở trên vùng đất Măng Khen, nơi có nhà tù Đắc Glei giam cầm các chiến sĩ cách mạng từ thời Pháp. Đây cũng là một tuyến giao thông huyết mạch cho chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ.
Chúng tôi dừng chân bên một ngôi miếu nhỏ ở đỉnh đèo, thắp hương tưởng niệm 29 cựu chiến binh ở quận Đống Đa, Hà Nội qua đời vì tai nạn thảm khốc vào 2005. Họ là những người từng chiến đấu trên mảnh đất này khi về thăm chiến trường xưa thì gặp nạn. Ngôi miếu này giờ là một địa chỉ tâm linh với mọi người khi đi qua đây. Năm vừa qua nhiều khúc cua nguy hiểm đã được gia cố để đèo Lò Xo an toàn hơn.
Từ bên kia đèo đang mưa tầm tã, sang bên này đã là trời xanh mây trắng, một màu xanh rất cuốn hút của riêng đất trời Tây Nguyên. Đường về Ngọc Hồi - Kon Tum đã được nâng cấp, rộng và tốt hơn trước. Xe chạy qua những buôn làng trù phú và những cánh rừng cao su đang lên xanh. Ngọc Hồi, huyện phía tây Kon Tum, là vùng đất mang nhiều giá trị lịch sử, văn hoá. Dấu ấn của những năm tháng chiến tranh được lưu giữ trên mảnh đất này với đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, di tích lịch sử chiến thắng Plây Kần, chiến thắng Đắk Siêng - Đắk Dục...
Ngọc Hồi có cộng đồng dân cư gồm 17 dân tộc. Người Giẻ Triêng, người Brâu, người Xơ Đăng... đã sinh sống ở đây lâu đời với bản sắc riêng, góp phần làm nên không gian văn hoá cồng chiêng, các truyền thuyết, lễ hội dân gian độc đáo. Các dân tộc khác di cư về đây cũng đem đến cho cộng đồng những sắc màu văn hoá mới. Cuộc sống của người Brâu, một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, là một câu chuyện rất có ý nghĩa trên vùng đất này. Mấy chục năm trước, các chiến sĩ biên phòng đã tìm đến hơn mười hộ dân Brâu sống biệt lập trong rừng sâu, trước nguy cơ tuyệt chủng, vận động và giúp họ định cư, ổn định cuộc sống tại xã Bờ Y. Làng Đắc Mế của người Brâu ở đây giờ đã có trên 130 gia đình với hơn 300 nhân khẩu. Được nhà nước hỗ trợ, dân Đắc Mế có nhà cửa khang trang yên ấm; làng có điện nước; nhà nào cũng trồng cà phê, chăn nuôi trâu bò, đời sống bảo đảm.
Chúng tôi đi về cửa khẩu Bờ Y. Con đường mới mở ngang qua những làng mới định cư, cách thị trấn Plei Kần không xa. Huyện Ngọc Hồi có 34 km đường biên giới chung với huyện huyện Phu Vông tỉnh A Tô Pư của Lào và 13 km biên giới chung với huyện Ta Veang, tỉnh Ratanakiri của Campuchia. Cửa khẩu Bờ Y nằm trên ngã ba này, nơi quốc lộ 40 chạy qua.
Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, được thành lập từ năm 1999, qua một số thời kỳ khó khăn, vẫn là một động lực cho sự phát triển ở địa bàn trọng yếu này. Hệ thống hạ tầng ở đây đang tiếp tục được hoàn chỉnh. Khu kinh tế đã có trên 40 doanh nghiệp đầu tư với số vốn trên 1.000 tỷ đồng, xây dựng các công trình thiết yếu , các nhà máy chế biến mủ cao su, tinh bột sắn, vật liệu xây dựng... Các công trình kết nối về phía Lào và Campuchia cũng đang tiếp tục được thực hiện.
Khi chúng tôi tới thăm, các hoạt động ở cửa khẩu khá khang trang này vẫn diễn ra bình thường. Các xe container lớn đang làm các thủ tục thông quan. Hoạt động xuất nhập cảnh được giám sát chặt chẽ trong mùa phòng chống dịch COVID-19 làm quang cảnh trở nên thưa vắng. Tuy vậy, ở các khu chợ về phía Việt Nam vẫn có du khách và hàng hoá khá phong phú. Chắc chắn khi qua thời điểm khó khăn này, hoạt động ở cửa khẩu này sẽ sôi động trở lại.
Từ cửa khẩu, theo đường tuần tra, chúng tôi lên mỏm núi, nơi đặt cộc mốc tại điểm biên giới chung, "một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe thấy". Các chiến sĩ biên phòng cửa khẩu cho biết, trước kia đường lên cộc mốc rất khó đi, gần đây được mở rộng, nâng cấp, thuận tiện hơn nhiều. Xe ô tô chở du khách, khi được phép, có thể đến chân cột mốc ở độ cao 1.086 mét so với mặt biển này. Cột mốc bằng đá hoa cương, xây dựng năm 2007, có hình trụ tam giác, đặt trên bệ đá xám hình tròn, mỗi mặt quay về một nước, có quốc huy và tên từng quốc gia.
Chúng tôi có một cảm giác rất đặc biệt khi vượt qua những bậc thang cuối cùng để chạm đến cột mốc. Ngã ba biên giới chan hoà nắng, đồi núi trập trùng trải rộng trong tầm mắt ở các hướng. Về phía Việt Nam, con đường nhỏ chạy dọc đường biên về cửa khẩu Bờ Y ẩn hiện trong lau xám. Phía thị trấn Plei Kần, quang cảnh làng mạc gần xa bình yên, đông đúc. Liền ngay bên trạm kiểm soát biên phòng, nơi các chiến sĩ đang làm nhiệm, là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn trang nghiêm, trầm mặc...
Vùng đất “ngã ba Đông Dương” này đã trở thành ký ức không thể quên của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã đi qua đây trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Rất nhiều người đã ngã xuống trên mảnh đất này cho sự nghiệp giành độc lập của đất nước. Sự hy sinh vô giá của họ chính là nguồn cội cho cuộc sống bình yên nơi ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia mà chúng tôi đang được chứng kiến hôm nay.