Nhật ký, ghi chép và những bức thư chưa từng công bố của Xuân Quỳnh

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Xuân Quỳnh (6/10/1942-6/10/2022), cùng với sự kiện Đêm thơ - nhạc - kịch “Hoa cúc xanh” (diễn ra vào 20 giờ ngày 5-6/10/2022), gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng với Nhã Nam cho ra mắt cuốn sách "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn", nhằm tưởng nhớ và tri ân nữ thi sĩ tài hoa đã có những đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Để lại niềm tiếc thương vô hạn khi đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông vào tháng 8/1988, Xuân Quỳnh dường như chưa hề đi khỏi cuộc đời. Các tác phẩm của nữ sĩ vẫn còn vẹn nguyên giá trị và làm lay động hàng triệu trái tim bạn đọc. 

Chú thích ảnh

Xuân Quỳnh được biết tới như một nhà thơ tình với những lời thơ vừa mộc mạc, sâu lắng, giàu nữ tính, lại vừa cháy bỏng, tha thiết, nồng nàn. Hơn cả, chữ “tình” trong các tác phẩm của Xuân Quỳnh rộng lớn hơn tình yêu đôi lứa, nó bao trùm cả tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước, tình nhân ái giữa con người với nhau, và tình mẫu tử. 

Tập di cảo quý giá đã hé lộ những chất liệu cuộc sống đã góp phần làm nên những “cái tình” của nhà thơ. Lật giở từng trang sách, ta bắt gặp một Xuân Quỳnh quá đỗi đời thường và đầy giản dị. Đong đầy ở đây là hình ảnh của người mẹ với tình mẫu tử thiêng liêng. 

Chú thích ảnh

Những trang nhật ký chi tiết, tỉ mỉ, ghi lại quá trình sinh ra và lớn lên trong những năm đầu đời của con trai đầu lòng Lưu Tuấn Anh, đã thể hiện được tình thương yêu hết lòng và sự hy sinh vô bờ bến của nữ nhà thơ khi nuôi con trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt. 

Xuân Quỳnh cũng là một người rất chịu khó đi thực tế và sẵn sàng nhập cuộc. Thu xếp tạm ổn việc gia đình, con cái là sửa soạn hành trang để lên đường, không ngại ngần đi đến những vùng đất trọng điểm, đầy khó khăn nguy hiểm để sống, làm việc, trải nghiệm với quân và dân vùng đất lửa Quảng Trị. 

Phần hai của cuốn sách cung cấp những tư liệu là nhật ký ghi chép những sự việc, ấn tượng đặc biệt, những chân dung tiểu biểu... một thứ vốn liếng, chất liệu sáng tác của một nhà thơ nữ thông minh, tinh tế. Xuân Quỳnh đã lấy trải nghiệm từ thực tế hào hùng của cuộc chiến tranh cứu nước làm nguồn cảm hứng chủ đạo trong tư duy sáng tạo.

Mẹ đi trên con đường chiến tranh. Thức với trăng qua những bến phà, hố bom, vết đạn, pháo sáng dày đặc. Mẹ đi qua như qua những buồn vui của đời mẹ, những con đường chiến tranh này luôn luôn có cái chết rình bên cạnh, nhưng mẹ không sợ bằng lúc mẹ bắt đầu đi, vượt qua cái tình cảm gia đình (xa con).Qua những đêm thức trắng, xe càng đi càng vào miền nóng bức – hằng ngày nhớ con nên mẹ lại cảm thấy gần con hơn”.

Chú thích ảnh

Được biên soạn bởi PGS. Lưu Khánh Thơ (em gái Lưu Quang Vũ), cùng với nhiều tư liệu được cung cấp từ gia đình, "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn" lần đầu tiên công bố một số bức thư Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ gửi cho nhau trong những năm cuối đời; thư Xuân Quỳnh gửi cho con trai út Lưu Quỳnh Thơ (Mí) khi đi công tác tại Liên Xô; cùng một vài kỷ niệm về những năm đầu yêu nhau nhiều trắc trở của cặp vợ chồng tài hoa cũng được PSG Lưu Khánh Thơ chia sẻ.

Nhan đề “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” của cuốn sách là một câu thơ trong bài “Có một thời như thế” của Xuân Quỳnh, gợi nhớ đến những điều có giá trị và vĩnh viễn như những tác phẩm xuất sắc Xuân Quỳnh đã để lại cho nền văn học nước nhà.

“Có một thời vừa mới bước ra
Mùa xuân đã gọi mời trước cửa
Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ
Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi.

Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Trang nhật ký xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau

Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại
Tuổi xuân mình tưởng vẫn mãi tươi xanh...”

Chú thích ảnh

"Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn" sẽ giúp độc giả gần như hình dung được Xuân Quỳnh đã sống ra sao, đã yêu thương, day dứt những gì trong mỗi bước vui buồn của đời sống. Đó là những năm tháng không yên của một thời kỳ lịch sử có Xuân Quỳnh sống và viết, yêu thương và lao động nghệ thuật hết mình như vậy! 

MH
Giới thiệu tập truyện ngắn 9 màu chia ly của Bernhard Schlink   
Giới thiệu tập truyện ngắn 9 màu chia ly của Bernhard Schlink   

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu 2022, ngày 11/5/2022, tại thư viện Viện Goethe (Hà Nội), Nhã Nam và Viện Goethe sẽ phối hợp tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tập truyện ngắn "9 màu chia ly" của Bernhard Schlink.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN