Chia sẻ với báo chí, bác sĩ tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tâm tư rằng: “Kẻ thù của chúng tôi không chỉ là virus Corona. Áp lực chuyên môn thì ít, mà vì thứ khác thì nhiều. Chống dịch trong thời đại 4.0 gồm cả hai mặt: Tin về dịch bệnh COVID-19 được thông tin kịp thời đến người dân, nhưng đi kèm với đó là tin giả đang bị nhiều người thiếu hiểu biết tung tin thất thiệt, nhằm vụ lợi".
Bên cạnh đó, người dân lại dễ dãi trong việc tiếp nhận thông tin không được sàng lọc, thông tin "tam sao thất bản" đã dẫn đến hoang mang, lo sợ quá mức. Thông tin giả trên thế giới ảo đã tác động đến cuộc sống thật, gây nên hậu quả khó lường, như việc đổ xô đi mua khẩu trang, quảng bá đủ các loại, bài thuốc phòng bệnh COVID-19 thiếu cơ sở khoa học… Thậm chí, nhiều người mới chỉ có một trong các biểu hiện về cúm thông thường đã đến xét nghiệm với tâm lý lo sợ, khiến công tác khám chữa bệnh nhiều nơi quá tải.
Mạng xã hội đang trở thành kênh trao đổi thông tin của nhiều người Việt Nam. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 400 mạng xã hội được cấp giấy phép, nhưng có nhiều người dùng nhất là Facebook, Youtube, Zalo… Trong đó, mạng xã hội facebook có khoảng 55 triệu người.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội cho rằng, đây là thế giới ảo, nên có thể phát ngôn tự do và không phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó là việc xử lý các thông tin giả còn gặp khó khăn trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài do có sự khác biệt về môi trường pháp lý khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Vì vậy, việc xử lý vi phạm kéo dài.
Từ đầu năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi mới xâm nhập vào Việt Nam, hàng chục tin giả về việc xuất hiện của dịch bệnh này xuất hiện trên mạng xã hội đã khiến ngành Nông nghiệp có kiến nghị xử lý và hàng chục vụ đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện từ đầu năm đến nay, nhiều người dùng mạng xã hội lo sợ về dịch bệnh đã chia sẻ thông tin không đúng, với gần 20 vụ tung tin giả liên quan đến dịch bệnh này đã bị xử lý.
Gần đây nhất, ngày 17/2, Công an thị xã Sơn Tây đã triệu tập chị K.H.G (sinh năm 1995, trú tại Ngô Quyền, Sơn Tây) để làm rõ việc đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch như: "Biến này sốc, mọi người tự bảo vệ mình!; 315 người đã trốn khỏi vùng dịch Vĩnh Phúc; Vũ Hán thứ 2...”. Tại cơ quan Công an, chị G đã thừa nhận việc đăng tin bịa đặt, nhận thức hành vi vi phạm của mình. Công an thị xã Sơn Tây đã lập hồ sơ xử phạt 12,5 triệu đồng đối với chị G về hành vi đăng tải nội dung thông tin sai sự thật theo quy định tại Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ...
Bên cạnh những người chia sẻ thông tin dạng lo sợ, chưa nhận thức đầy đủ, thì cũng có những cá nhân cố tình lợi dụng sự quan tâm của dư luận về dịch bệnh này để đăng thông tin. Cụ thể, tối ngày 4/2, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin đã có thuốc kháng virus Corona và nhận đặt hàng với số lượng lớn từ tài khoản facebook “B.N.S”. Bài viết này đã thu hút được hàng trăm lượt “like”, bình luận và chia sẻ. Ngay khi phát hiện sự việc, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã xác minh chủ nhân tài khoản facebook trên. Ngày 11/2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an quận Đống Đa đã triệu tập V.L.A (sinh năm 1987, trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy) là người đã đăng tải thông tin lên làm việc và V.L.A đã thừa nhận sai phạm, gỡ thông tin. Công an quận Đống Đa đã ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với V.L.A về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật...
Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp tung tin giả trong bối cảnh cả nước đang chung tay phòng chống dịch COVID-19 là việc làm kịp thời để không gây hoang mang trong dư luận, kéo theo nhiều áp lực xã hội không đáng có. Bên cạnh đó, cũng tạo dần cho người dùng mạng có ý thức, trách nhiệm hơn khi chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Dù là thế giới ảo nhưng những tác động vào thế giới thực ngày càng hiện hữu. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định quan điểm khi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin: Mạng xã hội phản ánh đời sống thực, nên những giá trị đạo đức cơ bản của con người phải được tôn trọng. Đồng thời, nền tảng mạng xã hội cũng phải tuân thủ pháp luật nước sở tại.
Để ngăn chặn tin giả và tôn trọng những giá trị đạo đức cơ bản của con người, đã đến lúc sớm có quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với cả đơn vị cung cấp hạ tầng, người sử dụng. Để làm được điều này phải có những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm trong chia sẻ thông tin, hướng dẫn sử dụng internet, kỹ năng phân biệt tin giả - tin thật, kiểm chứng thông tin…; đồng thời, cần sự chung tay của cả cộng đồng.