Trên đường Lâm Hồng Long

Thế là cuối cùng tôi cũng có dịp bước chân trên đường mang tên nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Con đường nhỏ, những ngôi nhà nhỏ của một khu phố lao động giữa lòng thành phố Phan Thiết quê hương ông.

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Ngọc Diệp, 75 tuổi, người bán hàng tạp hoá trên đường Lâm Hồng Long.

Bà Trần Thị Ngọc Diệp, 75 tuổi, người bán hàng tạp hoá, ở số nhà 21 trả lời khi tôi hỏi về người mang tên phố: "Tôi biết chứ. Ông ấy là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, người quê hương Bình Thuận, đã được giải thưởng Hồ Chí Minh!"

Theo lời bà Diệp, người sinh ra và lớn lên ở phố này, trước năm 1975, đây là phố của những người làm mắm, vì gần bến thuyền trên sông Cà Ty, tiện cho việc làm nghề. Sau năm 1975, phố có nhiều người từ nơi khác đến sinh sống, phần đông là dân lao động.

Năm 2002, tỉnh Bình Thuận đặt tên đường Lâm Hồng Long, 5 năm sau khi nhà nhiếp ảnh nổi tiếng qua đời, để tưởng một người con quê hương. Đường có chiều dài 200m, bắt đầu từ ngã ba đường Võ Thị Sáu đến giáp đường Lý Thái Tổ.

Đi trên con đường có chỉ giới sẽ mở rộng nay mai, tôi nghĩ nhiều về ông. Khi còn sống, Lâm Hồng Long chắc không hề nghĩ sẽ có con đường mang tên mình. Bởi tính cách rất khiêm nhường, bình dị của ông, nhà nhiếp ảnh tài năng và đã để lại những tác phẩm lịch sử, mang dấu ấn một thời kỳ nhiều biến động cùa đất nước.

Chú thích ảnh
Đường Lâm Hồng Long.

Tôi có nhiều kỷ niệm trong những ngày tháng không quên về ông. Tháng 3/75, tôi đã có dịp cùng Lâm Hồng Long vào Huế và Đà Nẵng giải phóng ngay trong những ngày đầu tiên. Sau đó, chúng tôi lại cùng có mặt trong tổ phóng viên mũi nhọn của TTXVN, hành quân theo bước chân thần tốc của cánh quân phía Đông, đi dọc miền Nam đất nước, qua một loạt các thành phố, chứng kiến nhiều trận đánh để có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử.

Khoảng giữa tháng Tư, tôi đã cùng Lâm Hồng Long qua Phan Rang - Tháp Chàm, về Phan Thiết. Tôi là người mới đến đây, còn ông là người trở về mảnh đất quê hương sau 21 năm xa cách. Tôi không bao giờ quên gương mặt xúc động, những câu chuyện ông kể  khi chúng tôi đèo  nhau bằng xe Honda trên đoạn đường này. Tôi đã cùng ông thăm trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học, gặp gỡ với những người dân Phan Thiết, chụp cảnh ghe thuyền cắm cờ giải phóng xuôi ngược trên sông Cà Ty... Anh em trong tổ mũi nhọn chúng tôi đã chứng kiến khoảnh khắc Lâm Hồng Long gặp lại những người ruột thịt trong gia đình sau bao năm tháng xa cách. Khi ấy, gia đình ông đang ở tại thị trấn Hàm Tân, không xa Phan Thiết.

Chú thích ảnh
Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (giữa), cùng các nhà báo Trần Mai Hưởng (trái), Hoàng Thiểm (phải) vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng (29/3/1975).

Người phóng viên ảnh săn tìm những hình ảnh chỉ diễn ra trong khoảnh khắc để tạo ra những tác phẩm tồn tại mãi với thời gian. Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã sống hết mình với từng khoảnh khắc như thế.

Những ngày Điện Biên Phủ trên không 1972, tôi đã thấy ông cùng các đồng nghiệp đội mũ sắt lên sân thượng nhà cao tầng săn ảnh B52 Mỹ cháy trên bầu trời Hà Nội.

Về bức ảnh lịch sử "Bác bắt nhịp Kết Đoàn", ông chia sẻ: "Vì muốn trong khuôn hình có Bác và có cả gương mặt các nhạc công, tôi lặng lẽ di chuyển ra phía sau lưng Bác. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, đèn máy sẵn sàng. Và khoảnh khắc ấy đã đến. Bác quay lại phía tôi, gương mặt tươi cười, đũa chỉ huy vung cao. Cùng với hình ảnh Bác là gương mặt các nhạc công đang say mê hồ hởi trong giây phút biểu diễn thăng hoa nhất".

Chú thích ảnh
Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long và nhà báo Trần Mai Hưởng qua Phan Rang - Phan Thiết trên đường Chiến dịch Hồ Chí Minh, 4/1975.

Tháng 5/1975, tôi đi cùng Lâm Hồng Long xuống Vũng Tàu đón các chiến sĩ từ nhà tù Côn Đảo trở về.

Trong chuyến đi ấy, ông đã chụp bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt", một hình tượng bất hủ cho mùa xuân đất nước sum họp, thống nhất  khi chiến sĩ Lê Văn Thức gặp lại người mẹ của mình từ miền Tây Nam Bộ lặn lội lên Vũng Tàu tìm con. Lâm Hồng Long, phóng viên TTXVN, là con người của những khoảnh khắc lịch sử như vậy.  

Lần  này trở lại Phan Thiết, đến thăm con đường mang tên ông, tôi càng cảm phục và tự hào về ông , người đồng nghiệp lớn mà tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó. Trong đội ngũ những nhà báo, nhà nhiếp ảnh tài năng, tâm huyết, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó hy sinh của TTXVN - TTXGP, Lâm Hồng Long là một gương mặt tiêu biểu.

Chú thích ảnh
Bạn bè đồng nghiệp mừng thọ nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (bên phải) tròn 70 tuổi (1993).

Xin chia sẻ lại bài thơ Khoảnh khắc tôi đã viết để tưởng nhớ về ông:

KHOẢNH KHẮC

Anh kiên nhẫn đợi chờ giây phút ấy

Bác quay lại mỉm cười khi bắt nhịp Kết Đoàn

Anh muốn trong khuôn hình không chỉ có lãnh tụ

Còn nhạc công và cả nhân dân
 

Anh lên hết tầm cao thành phố để kịp thấy

B52 rơi trong đêm Hà Nội ngàn năm

Sân thượng chao nghiêng năm cửa ô rung chuyển

Rồng lửa đỏ trời trên đất Thăng Long
 

Anh ngây ngất trong mùa xuân kỳ diệu

Chiến dịch đi như bão nổi triều dâng

Cả miền Nam tiến công, cả quê hương nổi dậy

Những ngày sục sôi cả nước lên đường
 

Anh vượt qua ngàn dặm để chứng kiến

Người mẹ gặp con tóc bạc nghẹn ngào

Những giọt nước mắt gầy guộc lặng lẽ chảy

Biển Vũng Tàu ngày dân tộc bên nhau
 

Anh chết lặng đi vào khoảnh khắc ấy

Lời đính ước mong manh người yêu dấu vẫn chờ

21 năm đêm Nam ngày Bắc

Tay trong tay rồi Phan Thiết vẫn như mơ

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng (TTXVN)
Có những con đường mang tên nỗi nhớ
Có những con đường mang tên nỗi nhớ

Con đường đầu tiên tôi đi ấy, đoạn ngắn nhưng là khoảng thời gian dài như vô tận...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN