Trong thời điểm khó khăn, hơn lúc nào hết, mỗi người dân đã và đang thể hiện cao độ trách nhiệm công dân, thực hiện đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh, chung tay đóng góp, tạo điều kiện tối đa cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và ứng phó với thiên tai.
Lan tỏa nhiều việc làm ý nghĩa
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động nhân dân thành phố ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ ngày 20-23/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 34,6 tỉ đồng từ 271 đơn vị ủng hộ.
Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành Đoàn đã tổ chức Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh. Đội hình gồm 200 y bác sĩ trẻ, nhân viên các phòng khám, bệnh viện trực thuộc các trường đại học, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ thành phố cùng sinh viên năm thứ 4, 5, 6 của các trường có đào tạo về ngành Y phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chung tay ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Phục vụ việc phòng chống dịch COVID-19, Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển đổi thành khu cách ly tập trung. Để thu dọn đồ đạc của sinh viên đang tạm thời nghỉ học phòng chống dịch một cách khẩn trương nhất, phục vụ việc chuyển đổi công năng, gần 700 cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đã không nề hà, sẵn sàng đến hỗ trợ Ban Quản lý Ký túc xá đóng gói đồ đạc của sinh viên vào thùng giấy, đánh số phòng sau đó chuyển về tập trung tại một số phòng của mỗi tầng. Các sinh viên đang nghỉ học ở quê nhà, thông qua trang Fanpage của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ngay lập tức gửi lời động viên đến các tình nguyện viên và bày tỏ sẵn sàng chia sẻ chút nhu yếu phẩm để lại trong phòng...
Những ngày cuối tháng 3, không chỉ dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn còn xảy ra khốc liệt, nhiều vùng bị nước mặn "bủa vây” khiến người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất. Đoàn viên thanh niên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã thực hiện 14 đợt hỗ trợ, vận chuyển hơn 3,6 triệu lít nước ngọt bằng sà lan đưa nước ngọt về hỗ trợ người dân vùng hạn mặn tỉnh Bến Tre. Tại xã ven biển Bình Giang (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) - nơi cũng bị nước mặn xâm nhập, Đoàn Thanh niên tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp với một doanh nghiệp tổ chức trao 50 bồn chứa nước sạch với dung tích 500 lít/ bồn tặng những hộ khó khăn trên địa bàn xã, giúp người dân có dụng cụ chứa nước ngọt, vượt qua mùa hạn mặn.
Từ miền quê xứ Dừa Bến Tre, dù đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh, song ngay khi có thông tin người dân xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đang gặp khó trong tiêu thụ lượng lớn nhãn xuồng - một loại cây ăn quả vốn cho hiệu quả kinh tế cao, một số thành viên thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre đã lập tức về khảo sát, thu mua, góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhanh nhất giúp nông dân.
Thực tế còn rất nhiều những việc làm cụ thể, có ý thiết thực đã và đang xuất hiện trên mọi miền đất nước. Tuy hình thức thể hiện và quy mô khác nhau song đều cho thấy sự chung tay, góp sức, từng ngày, từng giờ lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cả cộng đồng để vượt qua gian khó.
Vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng
Dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, thiên tai khắc nghiệt cũng chưa dừng, vì vậy hơn lúc nào hết, mỗi người cần tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm của một công dân, vì sự an toàn của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Thời điểm này, có thể một số nhu cầu, tiện nghi phục vụ cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân có những điều chưa được như mong muốn, chưa được tiện lợi.
Song để đáp ứng yêu cầu cao nhất là đảm bảo an toàn cho mỗi người dân trước dịch bệnh, cần tạo điều kiện tối đa cho các lực lượng làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch với tinh thần và trách nhiệm cao nhất của một công dân. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, để ngăn chặn dịch bệnh, sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và người dân rất quan trọng.
Cuộc sống đang trong gian đoạn khó khăn, đã có những xáo trộn trong nhịp sinh hoạt hàng ngày nhưng như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan qua thư ngỏ gửi người dân đất Sen hồng Đồng Tháp: “Đa số bà con mình đã bình tĩnh nghe theo những nguồn thông tin chính thức, tuân thủ những khuyến cáo từ các cơ quan chức năng. Bà con chấp nhận những khó khăn vì nhận thức được rằng, khó là khó chung, phải hy sinh một phần lợi ích vì sự an toàn cho mình và cộng đồng... Tuy nhiên, vẫn có những bất an, đã có những hoảng sợ trong xã hội. Nhưng như khuyến cáo của các cơ quan chức năng, càng hoảng loạn càng làm khó khăn hơn cho công tác phòng, chống dịch bệnh... Những việc cần làm trong lúc này là tất cả chúng ta chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân để hạn chế bị nhiễm bệnh và lây lan cho người khác...”.
Không hoang mang, không vì mong muốn đầy đủ tiện nghi, thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi cá nhân mà gây khó cho lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ; tự giác hơn nữa trong thực hiện các khuyến cáo về phòng dịch, tích cực đóng góp, lan tỏa những thông tin tích cực, ngăn chặn những thông tin sai lệch có thể làm phức tạp thêm tình hình chính là thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân yêu nước để cùng chung sức, đồng lòng vượt mọi khó khăn, thử thách trong thời điểm này.