Thảo luận tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Chương trình này trong năm học 2022 - 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/12, đại diện các địa phương kiến nghị, Bộ cùng các cấp, ngành, địa phương cần có giải pháp tháo gỡ để triển khai chương trình đạt hiệu quả tốt.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số học sinh ở Thành phố hàng năm tăng cao nên việc đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày là rất khó. Hiện tại, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học đạt 74% nhưng không đồng đều giữa các địa phương (có những quận, huyện chỉ đạt trên 20%). Mặt khác, Thành phố cũng gặp khó trong việc tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ giáo viên đúng lớp. Vì vậy, để thu hút, giữ chân giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cần có chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên Mầm non. Trong đó, có thể tăng 100% phụ cấp ưu đãi cho giáo viên Mầm non; giáo viên Tiểu học tăng 50%, giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tăng 40%.
Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, địa phương còn thiếu nhiều giáo viên Ngoại ngữ, Tin học để đáp ứng việc dạy 3 môn này từ lớp 3 theo chương trình mới. Dù công tác tuyển dụng đã được thực hiện khẩn trương nhưng nguồn tuyển rất khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh thực hiện tăng giờ dạy, tăng buổi thỉnh giảng của giáo viên hoặc điều giáo viên bậc Trung học phổ thông, Trung học cơ sở xuống dạy bậc Tiểu học. Ngoài ra, Cà Mau còn gặp khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương do thủ tục phải thông qua nhiều bước nên việc ban hành bị kéo dài.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường tập huấn để giáo viên tự tin trong việc đứng lớp. Đồng thời, các trường đào tạo sư phạm hướng đến đào tạo giáo án đáp ứng các yêu cầu của Chương trình mới.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nguồn tuyển giáo viên ở nhiều địa phương liên quan đến chính sách vĩ mô; đó là chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo. Bộ đang tích cực chuẩn bị báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật Nhà giáo. Khi đó, các vấn đề về chính sách vĩ mô liên quan đến nhà giáo sẽ được quy định trong Luật.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những nhiệm vụ lớn và khó của ngành Giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình từ năm 2020 đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu như: đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đồng bộ trên phạm vi cả nước; việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá từng bước được đổi mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt được kết quả trên có sự nỗ lực rất lớn của các địa phương, trường học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo tương đối kịp thời, bao quát. Tuy nhiên, đây là giai đoạn ngành Giáo dục chuyển đổi, cải cách. Thời gian tới, Bộ sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến từ thực tế để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, trường học, giáo viên triển khai chương trình mới. Từ thực tiễn triển khai, ngành Giáo dục các địa phương cần có sự đánh giá sâu hơn về chuyên môn, nhất là việc tổ chức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, quản trị trường học...