Góc nhìn từ chuyên gia
Liên quan đến những tác động đối với một chương trình cải cách, ông Phill Lambert, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Sydney, nguyên Giám đốc Cơ quan Quốc gia Australia về Chương trình giảng dạy, Đánh giá và Giám sát lưu ý bốn khuyến nghị để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi vì lợi ích của trẻ em, xã hội và quốc gia.
Đầu tiên là cần có các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng. Các tiêu chuẩn đó cần có một khuôn khổ được so sánh với thông lệ tốt nhất trên thế giới về chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm, đánh giá và tự đánh giá. Việc giám sát các dịch vụ là cơ bản để đảm bảo tuân thủ, tư duy cải tiến liên tục và xác định các ưu tiên để hỗ trợ thêm và phổ biến các thông lệ, bài học kinh nghiệm tốt.
Tiếp theo là cần có sự tham gia của toàn xã hội trong nỗ lực đạt được kết quả chất lượng cao – không chỉ những người làm việc trong ngành, mà tất cả các cơ quan chính phủ, khu vực kinh doanh, lãnh đạo ngành, chính trị gia và giới truyền thông.
Cuối cùng, theo Giáo sư Phill Lambert, cần thực hiện đầu tư thông minh để nâng cao vị thế của nghề giáo, nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà giáo dục và trên hết là cho trẻ em… không chỉ cho cá nhân mà còn cho xã hội và quốc gia.
Còn Tiến sĩ Aija Rinkinen, chuyên gia giáo dục cao cấp tại Ngân hàng Thế giới thông tin, Giáo dục mầm non ở Phần Lan dựa trên phương pháp tiếp cận tích hợp để chăm sóc, giáo dục và dạy dỗ trẻ, được gọi là mô hình “giáo dưỡng”, trong đó đặc biệt chú trọng phương pháp sư phạm. Trẻ được học thông qua chơi là điều cốt yếu. Tỷ lệ giáo viên - trẻ em theo yêu cầu là 1:7 với nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên và 1:4 đối với nhóm trẻ dưới 3 tuổi.
Vì thế để cung cấp giáo dục mầm non chất lượng cao, năng lực chuyên môn vững chắc là yêu cầu tiên quyết. Do đó, việc đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên là điều quan trọng và cần thiết. Giáo viên không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy theo đúng lý thuyết, chương trình mà còn phải phát triển tâm lý ở trẻ, tăng cường giao tiếp, tương tác, phát triển năng lực bản thân trẻ cũng như kết nối với phụ huynh, gia đình và xã hội để mang đến hiệu quả toàn diện.
Giải quyết căn cơ những thực trạng tại Việt Nam
Tuy nhiên, nhìn lại thực tế của Việt Nam, Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Tuấn Anh cho biết: Hiện cả nước thiếu gần 107 nghìn giáo viên các cấp, trong đó cấp mầm non thiếu hơn 44 nghìn giáo viên. Trước những thực trạng này, để nâng cao cả về chất lượng và số lượng giáo viên mầm non, Bộ sẽ điều chỉnh cách tính định mức từ tỷ lệ giáo viên/lớp sang tỷ lệ giáo viên/trẻ; điều chỉnh về số lượng nhân viên trường học theo số lượng điểm trường lẻ của trường. Bộ cũng sẽ bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp...
Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD&ĐT đang tăng cường triển khai, chỉ đạo các trường sư phạm, các địa phương áp dụng phương thức bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, nghiên cứu, vận dụng các mô hình bồi dưỡng phù hợp trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên trong thời gian tới…
Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.
Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu: Trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo chương trình thành công thì giáo viên vẫn đóng vai trò trọng yếu. Vì thế, việc chuẩn bị lực lượng, tập huấn, đào tạo đảm bảo số lượng và chất lượng, cùng việc chuẩn bị tài liệu, yêu cầu phải bắt đầu ngay trong quá trình xây dựng chương trình.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình chuẩn bị này, cần tính đến phương diện chính sách cần có để mở đường, tính đến những cơ hội tiếp cận tập huấn hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng giáo viên ngoài công lập. Song song với đó, các trường sư phạm cần chú trọng đổi mới giáo viên, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên.
Cùng với tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng là vấn đề đáng chú ý. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, ở Việt Nam còn gần 20% trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Trong đó, tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hoá chiếm nhiều nhất. Theo đó, trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hoá trường học, phải giải quyết nhiều nhất câu chuyện kiên cố hoá đối với hệ thống các trường mầm non.
“Có hay không có chương trình giáo dục mầm non mới thì việc kiên cố hoá này cũng là một việc cấp bách đối với Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng, không chỉ sẵn sàng cho trẻ em đến trường mà điều kiện rất quan trọng là trường học cũng phải sẵn sàng để đón trẻ em. Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần đề nghị địa phương lưu tâm đến vấn đề này.