Toàn cảnh hội thảo bàn tròn. |
Tại thủ đô Moskva, Hiệp hội Quốc tế các quỹ hòa bình đã tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề “Biển Đông - Con đường pháp lý đi đến hòa bình và ổn định”.
Tham dự hội thảo có gần 30 học giả, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành của Nga về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đại diện Bộ Ngoại giao, các cơ quan báo chí, truyền thông Nga. Ông Sergey Baburin - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội, đại biểu Duma quốc gia (Hạ viện) Nga chủ trì hội thảo.
10 bài tham luận phân tích nhiều khía cạnh trong quá trình tranh chấp trên Biển Đông từ trước tới nay cả trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, cũng như đưa ra những đánh giá, nhận xét về phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) ngày 12/7 vừa qua, trong đó khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Phát biểu tại hội thảo, ông Grigory Lokshin - Tổng thư ký Viện Hòa bình Vienna, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết phán quyết của Tòa Trọng tài là sự giải thích rõ ràng nhất cho các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và trở thành điều kiện tiên quyết, làm cơ sở pháp lý để các bên liên quan trong khu vực tiếp tục đối thoại và hợp tác trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lokshin chỉ ra rằng phán quyết của Tòa Trọng tài có tính ràng buộc thực hiện, khi một quốc gia đã ký kết thỏa thuận quốc tế thì phải có nghĩa vụ tuân theo thỏa thuận đó và việc một quốc gia không thực hiện phán quyết sẽ hạ thấp uy tín của quốc gia đó trên trường quốc tế.
Về phần mình, ông Pavel Gudev - chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế mang tên Primakov (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài đã hạ thấp quy chế các yêu sách của Trung Quốc, những yêu sách đó không dựa trên cơ sở pháp lý nào, thậm chí còn đang vi phạm hoàn toàn các chuẩn mực và quy định của luật pháp quốc tế. Sau phán quyết này các nước có tranh chấp trên Biển Đông sẽ có thêm động lực, sức mạnh pháp lý để tiếp tục các đàm phán song phương và đa phương, con đường hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình và ổn định tại khu vực.
Các đại biểu tham dự hội thảo bày tỏ hy vọng các bên cần phải tìm phương án giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Các đại biểu nhất trí cho rằng những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là không có lợi đối với LB Nga bởi Trung Quốc và Việt Nam là hai đối tác chiến lược của Moskva, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới như hiện nay.
Kết thúc hội thảo, ban tổ chức đã trình chiếu các bản đồ cổ của Việt Nam, Pháp, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không có bằng chứng lịch sử cho những tuyên bố chủ quyền, đồng thời khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.