Ngày trở về
Sau hơn 2 năm chờ đợi chuyến đi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Bùi Thị Thơm, Kiều bào Đức nhớ lại cảm giác bồn chồn, mong ngóng ngày khởi hành đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Với bà Thơm, đây là một trải nghiệm quý giá trong đời. “Tôi được một lần tận mắt chứng kiến cuộc sống của các chiến sỹ và đồng bào ta ở trên đảo, tận mắt thấy sức sống mãnh liệt của biển đảo quê hương, được sống trong tình yêu và niềm tự hào về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các cán bộ, chiến sỹ, người dân sinh sống, công tác và học tập nơi đây đều chung tình yêu đất nước, ngày đêm quyết tâm canh giữ biển đảo quê hương. Không chỉ vậy, tôi còn được gặp gỡ, giao lưu với anh chị em sống ở nhiều nước khác nhau. Có những người lần đầu mới gặp, có những người chỉ gặp trực tuyến, có những người thân quen… Dù ở nơi đâu, sống trong môi trường khác nhau, chúng tôi đều chảy chung một dòng máu Việt. Mà Trường Sa như ngôi nhà cho chúng tôi tụ họp”, bà Thơm chia sẻ.
Trong chuyến đi lần này, bà Bùi Thị Thơm chuẩn bị một món quà rất đặc biệt, dành tặng cho các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa, đó là bài hát “Hà Nội - Một trái tim hồng”. Bà tâm sự, Hà Nội là Thủ đô yêu dấu, là trái tim của đất nước, chính vì thế, ngay trước chuyến đi, cộng đồng người Việt ở Đức muốn bà thay mặt kiều bào, hát tặng ca khúc này đến Trường Sa. “Giai điệu bài hát cũng là dòng tâm sự bà con Việt đang sống ở Đức muốn nhắn nhủ rằng, tất cả những người con Lạc, cháu Hồng đang xa đất Việt luôn luôn hướng về quê hương, hướng về biển đảo. Dù khoảng cách về địa lý còn xa, nhưng biển đảo, đất nước, Tổ quốc luôn trong mỗi trái tim kiều bào”, bà Thơm tâm sự.
Chia sẻ cảm xúc tự hào khi được đại diện cho trên 450.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản được đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong đợt này, anh Đinh Hùng Cường, kiều bào Nhật Bản chia sẻ, 41 kiều bào trở về từ 17 quốc gia trên thế giới đều mang theo trái tim nồng ấm của những người con xa xứ dành cho các chiến sỹ và đồng bào ta tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ngay khi đặt chân đến điểm đảo đầu tiên Song Tử Tây, anh Cường tìm đến gặp thầy và trò trường Tiểu học xã Song Tử Tây tặng quà. Ấn tượng của anh Cường là các em học sinh rất lễ phép, hồn nhiên và chăm chỉ. Là thế hệ tiếp nối, anh tin rằng, các em lớn lên tại đây sẽ hiểu đảo, yêu đảo và gìn giữ đảo tốt hơn ai hết.
“Không chỉ vậy, những ngày qua, chúng tôi đều cảm nhận được nhiệt huyết tuổi trẻ trong từng cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo. Hình ảnh các chiến sỹ đã thắp lửa tình yêu biển đảo, quê hương trong tất cả kiều bào - những người con trong ngày trở về từ những nơi xa tận châu Mỹ, châu Phi, châu Âu tới những nước gần ngay đất mẹ như Lào, Campuchia, Thái Lan”, anh Cường chia sẻ.
Chung tâm trạng xúc động trở về Trường Sa và Nhà giàn DK1, ông Cao Danh, kiều bào Lào bày tỏ sự trân trọng với các thế hệ người lính hải quân ngày đêm canh giữ biển đảo, thậm chí, có nhiều người sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. “Tổ quốc là máu thịt thiêng liêng trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trọn vẹn là sứ mệnh của người lính hải quân thời bình. Sứ mệnh ấy vẻ vang nhưng cũng không kém phần gian khổ, thầm lặng hy sinh. Hình ảnh đẹp nhất trong suốt hành trình hàng nghìn hải lý vừa qua, đó là các chiến sỹ vững chắc tay súng canh biển trời của chúng ta bất kể nắng mưa, ngày đêm, biển lặng hay bão tố, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng được Đảng tin tưởng, đơn vị giao phó, nhân dân tin yêu”, ông Cao Danh xúc động nói.
Ấm tình quân dân
Lần đầu tiên được đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đầy xúc động, bồi hồi. Trong trái tim người con xa đất nước lâu năm, không chỉ ông mà trên 30.000 người Việt tại Ba Lan luôn dành trọn tình cảm cho quê cha đất mẹ, quan tâm đến sự phát triển của đất nước, nhất là đời sống ở những nơi vùng sâu vùng xa, các vùng lãnh hải, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Chia sẻ cảm nghĩ về hải trình về với biển đảo Tổ quốc, ông Trần Anh Tuấn cho biết, trước đây, ông và nhiều người sống xa xứ chỉ nghe về Trường Sa qua sách báo, mạng Internet… và ngỡ như đã biết nhiều về Trường Sa. Hơn 30 năm xa quê hương, ông từng đến rất nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chưa chuyến đi nào làm cho ông cảm thấy dâng trào cảm xúc đến thế. Được trực tiếp chứng kiến sức sống mãnh liệt của Trường Sa, ông rất ngỡ ngàng và xúc động. Mang theo những tình cảm, tình yêu thương của bà con người Việt tại Ba Lan gửi gắm tới cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tại Trường Sa và Nhà giàn DK1, ông Tuấn tâm sự, Trường Sa thân yêu khiến những người con đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu đều xích lại gần nhau hơn, cùng thêm tin yêu vào đất mẹ Việt Nam thương mến.
“Tại các đảo, chúng tôi rất xúc động lại được chính các chiến sỹ động viên ngược lại "anh chị cứ yên tâm công tác, chúng em luôn sẵn sàng tuân thủ mọi mệnh lệnh khi đất nước cần". Đó là những gương mặt rất trẻ nhưng rất rắn rỏi, mạnh mẽ, chung sức đồng lòng, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ; đồng thời khẳng định cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết, luôn luôn hướng về quê hương đất nước, hướng về biển đảo thiêng liêng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hường, kiều bào Đức không thể che dấu được cảm xúc khi đoàn dừng lại làm Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh ở đảo Gạc Ma. Trong giây phút linh thiêng, bà Hường cùng đoàn kiều bào ai cũng đều rưng rưng xúc động trước tấm gương hy sinh của các anh trong những thời khắc thiêng liêng. “Khóc bởi họ đều trân trọng giá trị lịch sử dân tộc và những hy sinh lớn lao của những thế hệ quân, dân Việt bám biển, giữ đảo. Khóc còn vì niềm vui của sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc ngày hôm nay…”, bà Hường chia sẻ.
Với bà, những ngày tháng được sống, cảm nhận cuộc sống của các cán bộ, chiến sỹ và người dân Trường Sa là “những ngày tháng tươi đẹp và ý nghĩa nhất được đoàn tụ dưới mái nhà chung đất Việt”. Mỗi sáng, trước giờ “toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”, bà Hường đã xuống khu bếp nhà C, trên Tàu Trường Sa 571 để cùng các chiến sỹ trẻ tuổi tất bật chuẩn bị bữa ăn sáng cho các thành viên trên tàu. “Các cháu còn rất trẻ, thậm chí kém tuổi con tôi, nhưng ai cũng có tính tự giác rất cao, ý thức tốt. Các cháu nấu ăn cũng rất giỏi, khéo léo, dọn dẹp ngăn nắp. Những ngày lênh đênh trên thuyền, món quà lớn nhất tôi và anh chị em kiều bào nhận được là tình cảm ấm áp, sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, nhiệt tình, đầy đủ của các cán bộ, chiến sỹ. Rất cảm động, không thể quên được”, bà Hường nói.
Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió
Nhớ lại niềm vinh dự đón đoàn kiều bào đầu tiên đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào năm 2012, Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, trong suốt 10 năm qua, kiều bào hiểu nhiều hơn về cuộc sống của quân, dân trên quần đảo Trường Sa, là cơ sở để tạo niềm tin với kiều bào ta ở nước ngoài, lan tỏa tình yêu biển đảo đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, bạn bè quốc tế nói riêng. Tình cảm, sự gắn bó của bà con kiều bào cũng đã góp phần tạo nên động lực, sức mạnh, tinh thần ủng hộ cho quân, dân Trường Sa ngày càng vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Thượng tá Lương Xuân Giáp nhấn mạnh, sau 10 năm, tình yêu thương của kiều bào đối với quân, dân trên đảo tiếp tục được lan tỏa ngày càng sâu đậm, tình nghĩa giữa đất liền với Trường Sa, kiều bào với Trường Sa ngày càng thắt chặt, gần gũi. Qua gặp gỡ đoàn kiều bào đã từng đến Trường Sa, Thượng tá Lương Xuân Giáp phần nào cảm nhận được những trái tim nhiệt huyết đối với biển đảo quê hương.
“Tâm trạng tôi khi nào cũng phấn khởi bởi được đón kiều bào về với quân, dân Trường Sa, như những người con xa quê trở về nhà. Đặc biệt, chúng tôi đều vỡ òa cảm xúc bởi tình yêu biển đảo lớn lao của bà con kiều bào. Những cái nắm tay, những nụ cười vui vẻ, những câu chuyện xúc động và cả những món quà ý nghĩa đều thể hiện tình yêu chân thành của bà con kiều bào gửi đến quân dân Trường Sa. Tiếp tục chứng kiến cuộc sống trên Trường Sa, tôi mong rằng, niềm tin yêu và tình cảm đó sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn ở cả trong nước và ngoài nước, mãi là điểm tựa tinh thần để quân, dân Trường Sa ngày một vững vàng”, Thượng tá Lương Xuân Giáp chia sẻ.
Bài 3: “Đại sứ không lương” về chủ quyền biển đảo của đất nước