Triển lãm lưu động trưng bày hơn 200 hiện vật, tư liệu như: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương thay mặt Nhà nước Việt Nam đương thời ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; những hình ảnh thể hiện quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các giai đoạn lịch sử.
Ngoài ra, triển lãm cũng trưng bày gần 100 bản đồ, tập atlas chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...
Những hiện vật, tư liệu được trưng bày là một phần bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Các hiện vật, tư liệu cũng cho thấy từ thời kỳ phong kiến, đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay, Việt Nam đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” mở cửa, phục vụ nhân dân huyện miền núi Lang Chánh tham quan, tìm hiểu đến hết ngày 20/3.
Sau đó, triển lãm lưu động sẽ tiếp tục được tổ chức tại các đơn vị, địa phương khác trong tỉnh gồm: Huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa, Đông Sơn và trường Đại học Hồng Đức.