Cùng rèn luyện, chia sẻ kiến thức, kỹ năng sống. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN |
Trong hành trình tới thăm Trường Sa của Đoàn công tác số 10, mỗi thành viên trong đoàn trải qua những cung bậc cảm xúc thật khó diễn đạt thành lời. Đó là cảm giác khoáng đạt khi tàu băng qua những dải sóng dài trên vùng biển trời, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Có lúc đó lại là việc lặng lẽ giấu đi ánh mắt ngân ngấn nước để người đi, người ở đều chào nhau bằng một nụ cười. Và trong những giây phút hạnh ngộ, khi đứng trên vùng biển biển thiêng liêng của Tổ quốc, đoàn công tác luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển trời đất nước.
Đại tá Đỗ Doãn Hồng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 10 rưng rưng tại lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 trong chống chọi với thiên nhiên. Đại tá Đỗ Doãn Hồng khẳng định: Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa Tổ quốc luôn dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vùng biển, đảo này.
Lặng lẽ thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc, chúng tôi - những người được đến với Trường Sa thấu hiểu sự hy sinh của bao thế hệ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để gìn giữ biển. Chị Phạm Thị Thanh Thủy, Chánh Văn phòng Bộ Y tế tới đảo nào cũng muốn xin lại những lá cờ đã bạc màu vì nắng gió. Chị nói: “Những lá cờ này tôi mang về đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Đây cũng là kỷ vật của Trường Sa để các con tôi hiểu, tự hào về non sông đất Việt”.
Để xứng đáng với tình cảm và lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân dân cả nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng mỗi đảo, điểm đảo, nhà giàn thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực về quan hệ quân dân. Những gì lực lượng Hải quân đạt được là kết quả của sự nỗ lực vượt bậc của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ và là kết quả của các phong trào rộng lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã hướng về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc trong những năm qua.
Trong chuyến đi này, các đoàn đều có những hoạt động ý nghĩa dành tặng chiến sĩ Trường Sa. Đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên sửa lại nhà cho mẹ và vợ Trung úy Bùi Hữu Dư, Chính trị viên đảo Đá Tây C. Đoàn công tác tỉnh Phú Thọ, Công đoàn Văn phòng Quốc hội, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam ngoài ủng hộ kinh phí còn hỗ trợ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo...
Có những chiến sĩ trẻ chúng tôi gặp đã có hai nhiệm kỳ công tác tại các quần đảo khác nhau ở Trường Sa như Thượng úy Trần Quốc Hiệp, hiện công tác tại đảo Sinh Tồn; Thiếu úy Nguyễn Tuấn, hiện công tác tại Đảo Phan Vinh. Có người đã dành trọn cuộc đời làm việc tại quần đảo Trường Sa như Trung tá Bùi Xuân Bồng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9. Các anh là những người tiếp nối, giữ gìn, dựng xây biển đảo quê hương... Triệu trái tim người Việt Nam vẫn ngày ngày hướng về Trường Sa, Hoàng Sa và thềm lục địa của Tổ quốc.