Bộ sách "Biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian". |
Bộ sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian” do NXB Công an nhân dân và Vinabooks phát hành, gồm hai tập, tuyển chọn 189 bài viết, và được trình bày có hệ thống, theo từng thành tố của khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian liên quan đến biển - đảo Việt Nam. Mở đầu là các bài viết dưới dạng tổng thể (những vấn đề chung), tiếp đó là những bài viết theo từng lĩnh vực, từ ngữ văn dân gian, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian, văn hóa ẩm thực,...
Tập 1 của bộ sách gồm hơn 70 bài nghiên cứu, phê bình đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học chuyên ngành, trình bày những vấn đề mang tính tổng quan, văn học dân gian và nghệ thuật dân gian liên quan đến văn hóa biển, đảo Việt Nam. Bộ sách được chia thành ba phần chính: “Những vấn đề chung”, “Văn học dân gian” và “Nghệ thuật dân gian”. Trong đó, phần “Những vấn đề chung”, giới thiệu các bài viết mang tính khái quát chung, dưới dạng tổng thể về văn hóa biển đảo Việt Nam. Phần “Văn học dân gian” và “Nghệ thuật dân gian” đưa độc giả đến những vùng tri thức cụ thể, đa dạng, sâu sắc về đời sống văn hóa của cư dân biển đảo. Đó là những câu tục ngữ, những bài ca dao, vè và các truyền thuyết dân gian về biển đảo. Đó cũng là những bài hò (hát) bả trạo, hát chèo đưa linh, hát đám cưới trên thuyền,...
Tập 2 của bộ sách gồm những bài viết liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và tri thức dân gian. Trong đó, phần "Tín ngưỡng", giới thiệu các bài viết về hệ thống tín ngưỡng dân gian của ngư dân ven biển Việt Nam, như tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá Voi), trong đó, mỗi một vùng miền, lại có những cách biểu hiện và thực hành tín ngưỡng khác nhau… tín ngưỡng thờ thần linh biển như tục thờ nữ thần biển ở miền biển Hải Phòng, tục thờ Mẫu của cư dân ven biển xứ Quảng Nam, tín ngưỡng thờ bà Thủy của cộng đồng ngư dân Am Thủy ở Bến Tre, tín ngưỡng thờ tứ vị thánh Nương – một tổ hợp thần biển độc đáo được thờ ở nhiều nơi ở vùng bắc Bộ, Trung bộ và một số nơi ở Nam Bộ…
Phần “Phong tục - Lễ hội”, giới thiệu các bài viết về phong tục, tập quán, lễ hội của cộng đồng ngư dân ven biển và trên các quần đảo ở nước ta, như lễ
hội cầu ngư, các nghi lễ cổ truyền ở các vùng biển đảo như lễ hội
Nghinh Ông, lễ hội chọi trâu, lễ hội đua thuyền và đặc biệt là lễ hội
Khao lề thế lính Hoàng Sa…
Phần “Tri thức dân gian”,là những bài viết về làng nghề, về các nghề thủ công truyền thống, và về văn hóa ẩm thực của cộng đồng ngư dân ven biển. Đó
là văn hóa ghe bầu, làm thuyền, là văn hóa đánh bắt, chế biến hải sản,
là làng nghề làm muối, chế nước mắm, nặn đồ đất, làm yến sào… tạo nên
những yếu tố đặc trưng trong văn hóa ẩm thực, làng nghề của cư dân ven
biển…
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của cộng đồng ngư dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN |
Thượng tá Bùi Anh Tuấn - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Công an nhân dân, đơn vị xuất bản bộ sách này cho biết, đây là lần đầu tiên NXB Công An nhân dân được tổ chức xuất bản một bộ sách đồ sộ, đầy ắp những nguồn tư liệu quý về văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam. Bộ sách nhằm góp phần làm sáng tỏ lịch sử hình thành, phát triển các vùng miền, làng biển Việt Nam, đồng thời giúp bạn đọc tìm hiểu một số khía cạnh trong đời sống văn hóa tinh thần của ngư dân Việt Nam, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy và khai thác các khía cạnh văn hóa truyền thống, phục vụ đời sống tinh thần của ngư dân, góp phần tư liệu chứng minh cho chủ quyền biển đảo Việt Nam.
GS.TS Lê Hồng Lý, Viện Văn hóa dân gian Việt Nam đánh giá, bộ sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian” là một tập hợp tương đối đầy đặn của các tác giả, là những nhà nghiên cứu văn hóa của Việt Nam, mang đến cho độc giả một lượng tri thức lớn về văn hóa biển đảo Việt Nam. Đặc biệt, với những ai đang muốn tìm hiểu một cách tổng quan về văn hóa biển đảo Việt Nam qua “lăng kính” của văn hóa dân gian, thì bộ sách này sẽ là một nguồn tư liệu quý giúp ích cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, các sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam nói chung và văn hóa dân gian biển đảo nói riêng.