Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Phúc Minh, trưởng khoa Ngoại tiêu hoá, Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Cập nhật và điều trị ngoại khoa bệnh lý trào ngược thực quản” vào ngày 6/4, với sự tham dự của hơn 200 bác sĩ, chuyên gia y tế từ nhiều bệnh viện, trường đại học y khoa tại TP Hồ Chí Minh.
Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Minh, Bệnh viện Bình Dân trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.500 lượt bệnh đến khám, trong đó có 20 - 30% người bệnh có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản kèm theo các bệnh lý về đường tiêu hóa. Có nhiều người thường chủ quan không đi khám, dẫn đến bệnh tiến triển nặng làm hẹp thực quản khiến người bệnh không thể ăn uống được, ung thư thực quản, viêm loét thực quản…
“Xu hướng bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản đang gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phần lớn là do lối sống như ăn xong đã nằm nghỉ, ít vận động, tăng cân, béo phì... làm tăng áp lực ổ bụng”, bác sĩ Phúc Minh thông tin thêm.
Theo các chuyên gia y tế, trào ngược dạ dày thực quản dễ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, có thói quen ăn uống không lành mạnh. Nếu không được điều trị hiệu quả, người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh suốt đời.
GS Lê Quang Nghĩa, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Bệnh dễ nhầm lẫn và dễ bỏ sót vì có nhiều biểu hiện khác nhau, người bệnh khó phát hiện. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây nên rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến tai mũi họng, răng miệng, tim, phổi, thậm chí chức năng tình dục...
Để phòng tránh bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ Minh khuyến cáo nên tránh thực phẩm có chứa tính axit cao, ngủ nghiêng bên trái, nâng cao đầu khi ngủ, giảm cân, bỏ thuốc lá, tránh tập thể dục quá sức, tránh ăn khuya, hạn chế bữa ăn giàu chất béo…