Bác sĩ Lê Lâm Quốc Đăng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cho biết: Trước đó bệnh nhân L.T.C. (69 tuổi) nhập viện trong tình trạng ngất xỉu, ngưng tim từng lúc. Bệnh nhân được chẩn đoán suy nút xoang có triệu chứng/bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, có tiền căn thiếu máu cơ tim, ngất nhiều lần. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã kịp thời đặt máy tạo nhịp tạm thời và chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cấy dưới da.
Ngày 15/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công ca phẫu thuật kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân. Trước đó, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã có bước chuẩn bị và chăm sóc bệnh nhân rất tốt, vì vậy quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh và thuận lợi.
Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một kỹ thuật trong Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp, được Bệnh viện Đa khoa Bình Dương thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao. Đây là một kỹ thuật cao phức tạp, giúp bệnh nhân phục hồi nhịp tim đảm bảo lưu lượng máu cho các cơ quan thiết yếu như não, tim... cải thiện chất lượng cuộc sống và tiên lượng lâu dài. Để thực hiện, bệnh viện đã phải đưa ekip gồm 2 bác sĩ và hai điều dưỡng học tại Bệnh viện Chợ Rẫy 12 tháng.
Tai biến sau khi đặt máy tạo nhịp trên thế giới rất ít, chỉ khoảng 1%. Các tai biến hầu hết liên quan kỹ thuật và vô trùng. Do đó, khi thực hiện thủ thuật trên bệnh nhân đòi hỏi kỹ thuật có tính vô trùng cao để giảm tai biến, đạt mức độ an toàn cao nhất cho bệnh nhân.
Bệnh rối loạn nhịp tim chậm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột tử. Bệnh viện Đa khoa Bình Dương có kỹ thuật chuyển giao từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ rút ngắn thời gian chờ điều trị của bệnh nhân, giảm số lượng bệnh nhân đột tử, đột quỵ do rối loạn nhịp tim chậm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc này còn tiết kiệm chi phí đi lại cho các bệnh nhân ở tuyến tỉnh, không nhất thiết phải lên các tuyến trên.