Đây là niềm vui cho những người bệnh suy thận mạn tính vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh máy móc ít, bệnh nhân nhiều nên luôn trong tình trạng quá tải.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết: Bệnh viện có quá trình chuẩn bị dài hơi từ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đến nhân sự để có thể đưa Trung tâm lọc thận nhân tạo vào hoạt động. Hiện, Trung tâm có 20 máy lọc, với 2 máy công suất lớn, công nghệ hiện đại; 18 máy công suất trung bình. Tương quan so sánh, một lần chạy máy lớn bằng năm lần chạy máy nhỏ. Đặc biệt, người bệnh khi đến điều trị tại Trung tâm sẽ không phải làm thủ tục chuyển tuyến, nhưng vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế đầy đủ.
Tại buổi lễ, ông Cao Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Việc đưa vào hoạt động Trung tâm lọc thận nhân tạo (Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ) là sự kiện mang ý nghĩa to lớn với các bệnh nhân suy thận mạn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, tại Cần Thơ có hai trung tâm lọc thận lớn nhất, thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (do Bộ Y tế quản lý) và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ (do Sở Y tế quản lý). Hai đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải do máy móc ít mà lượng bệnh nhân chờ lọc thận lại quá nhiều.
Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, số lượng máy chỉ khoảng 50 cái, nhưng phải chạy hết công suất để phục vụ lượng bệnh nhân chờ theo danh sách luôn trên dưới 500. Điều này khiến đội ngũ nhân viên y tế bị quá sức, máy móc cũng không có thời gian để tu sửa. Bệnh viện đang phải thực hiện 5 ca lọc thận trong ngày thay vì 4 ca theo tiêu chuẩn, trong đó có ca 5 từ 22 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, khiến bệnh nhân đã mệt mỏi vì bệnh tật lại không có thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chữa bệnh.
Từ nay đến năm 2030, ngành Y tế Cần Thơ hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố là trung tâm y tế chuyên sâu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển hệ thống y tế theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó y tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ngành đặt mục tiêu phát triển bệnh viện tư nhân kỹ thuật cao, quy mô lớn; năm 2025, thành phố có 48,6 giường bệnh/1 vạn dân và năm 2030 là 60,9 giường bệnh/1 vạn dân.
Toàn ngành Y tế Cần Thơ hiện có 13 đơn vị khám, chữa bệnh tuyến thành phố, 3 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 80 trạm y tế tuyến xã. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành và 7 bệnh viện tư nhân.