Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 175 trạm y tế xã, phường, thị trấn được giao 515 giường bệnh (bình quân 3 giường/trạm y tế); hơn 870 cán bộ y tế tuyến xã (bình quân 5 cán bộ y tế/trạm y tế). Từ năm 2023 đến nay, có 11 trạm y tế được lựa chọn triển khai Đề án “Triển khai thí điểm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Trạm Y tế xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 - 2025”, gọi tắt là Đề án 544.
Với điều kiện địa bàn các xã ở Hà Giang là vùng sâu, vùng xa, miền núi nên giao thông đi lại rất khó khăn. Vượt lên những khó khăn đó, đội ngũ y tế cơ sở vẫn thực hiện khám, chữa bệnh thường xuyên cho người dân. Đội ngũ y tế xã đã về tận từng nhà bệnh nhân để thăm khám và cấp phát thuốc; tuyên truyền cho người dân kiểm tra sức khỏe và khám, chữa bệnh thường xuyên tại các trạm y tế. Do đó, chất lượng chăm sóc y tế trong dân tăng cao, tạo sự yên tâm cho người dân nơi đây.
Tại các trạm y tế xã, ngoài công tác khám, chữa bệnh được triển khai thường xuyên, lực lượng y tế cơ sở còn tổ chức nhiều đợt khám, cấp phát thuốc cho nhân dân tại các điểm thôn, bản; tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh; công tác quản lý thai nghén, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thực hiện tốt công tác quản lý các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp… Cùng với công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, các trạm y tế cơ sở còn phục cho khách du lịch khi xảy ra các vấn đề về y tế; kịp thời điều động đội ngũ chăm sóc y tế đến những nơi xảy ra vụ việc, tai nạn hay các ca cấp cứu ở cơ sở. Qua đó kịp thời cấp cứu nạn nhân và chuyển tuyến cấp cứu, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Duy Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) cho biết: Trước đây, công tác khám, chữa bệnh cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, vì là xã biên giới, đường đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, đồng bào dân tộc thiểu số còn có hủ tục nên việc tuyên truyền cho người dân khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa thực sự hiệu quả. Từ năm 2010 trở lại đây, được sự quan tâm, đầu tư trang thiết bị cũng như đội ngũ y tế thôn bản đã trực tiếp đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chương trình bảo vệ sức khỏe nên nhận thức của người dân về sức khỏe được nâng lên. Đặc biệt, hiện nay, người dân đã tự giác đến trạm y tế để khám, chữa bệnh thường xuyên.
Năm 2023, việc triển khai thí điểm Đề án 544 tại 11 xã trên toàn tỉnh phát huy hiệu quả và chuyển biến tích cực. Theo đó, 11/11 trạm y tế triển khai Đề án đều được hỗ trợ, chuyển giao công tác sơ, cấp cứu ban đầu (tập trung vào các chuyên khoa chính như Nội khoa, Nhi khoa, Sản khoa, Ngoại khoa); hơn 55 ngàn lượt người được khám, chữa bệnh; tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đạt 74,1% (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Tại các xã triển khai đề án phát triển y tế cơ sở, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén đạt 78,3% (tăng 18,1% so với năm 2022), tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm uốn ván đủ liều và đúng lịch đạt 90% (tăng 6,8% so với năm 2022), tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế đỡ đẻ đạt 84,8% (tăng 3,9% so với năm 2022), tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 87,6% (tăng 4,1% so với năm 2022)... Cùng với những hiệu quả ban đầu từ phát triển y tế cơ sở, Sở Y tế Hà Giang tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác truyền thông tới mọi tầng lớp nhân dân về công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ em và khám, chữa bệnh trong nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường truyền thông tới mọi tầng lớp nhân dân về mô hình, hiệu quả và các hoạt động thực hiện tại các xã thí điểm, đặc biệt là về công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ em và khám chữa bệnh; rà soát bổ sung danh mục và dịch vụ kỹ thuật mới phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân; nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh không lây nhiễm. Sở tăng cường đào tạo nhân lực phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng xã, huyện; thực hiện đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc và đào tạo luân phiên hai chiều (cử y, bác sĩ tuyến tỉnh, huyện về xã hỗ trợ và cử y, bác sĩ nhân viên các trạm y tế lên tuyến trên đào tạo, tập huấn, học tập).
Giám đốc Sở Y tế Hà Giang nhấn mạnh, nhờ chú trọng, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt; năng lực dự phòng của y tế cơ sở được nâng cao, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ giỏi đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tạo sự hài lòng cho người dân…