Trước đó, ngày 7/8, Bệnh viện tiếp nhận bé gái sơ sinh vừa được can thiệp sinh mổ ở tuần 28 do sản phụ bị tiền sản giật và suy thai. Bé gái cân nặng 0,8 kg, bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng bẩm sinh. Bệnh nhi được chỉ định hồi sức tích cực tại khoa Sơ sinh trong 6 ngày, kết hợp đặt dẫn lưu ổ bụng giải áp.
Ngày 12/8, ê kíp do Bác sĩ Nguyễn Quốc Huy (khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ) cùng các cộng sự tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ quan sát thấy ổ bụng có nhiều dịch xanh lẫn phân su vùng hố chậu phải, lỗ thủng khoảng 0,5 cm tại hồi tràng. Bệnh nhi được can thiệp vệ sinh điểm phúc mạc bị viêm và vá lỗ thủng. Ca mổ đã thành công sau 60 phút, với sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Nội tiêu hóa,...
Ngày 14/8, sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, còn thở máy, được nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Huy cho biết, thủng ruột sơ sinh hiện tại vẫn có tỉ lệ tử vong rất cao, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân, vị trí thủng, số lỗ thủng… Trong đó, tuổi thai và cân nặng lúc sinh là yếu tố đặc biệt quan trọng. Trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh dưới 2,5 kg có nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Kim Loan - Phó trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cho biết: Đây là trường hợp đặc biệt khó khăn do bệnh nhi quá non tháng lại có nền bệnh nặng. Việc gây mê ở trẻ sinh non có nhiều nguy cơ do các cơ quan của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, trẻ dễ bị suy hô hấp trong lúc mổ. Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ phải đối diện với những vấn đề khó khăn như: Việc lựa chọn thuốc, liều lượng thuốc, giữ thân nhiệt ổn định trong suốt quá trình phẫu thuật...