Bệnh nhân L.M.G.T (nữ, sinh năm 1961, sống tại thành phố Cần Thơ) vào Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ ngày 23/10 trong tình trạng huyết áp tăng bất thường. Khai thác tiền sử, bệnh nhân có khám sức khỏe định kỳ nhưng không ghi nhận bệnh lý nào. Từ tháng 8/2023, tình trạng tăng huyết áp thường xuyên xảy ra, khiến bà T luôn trong mệt mỏi, xây xẩm mặt mày. Bà đã đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán tăng huyết áp vô căn và kê thuốc uống. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng điều trị, bà T nhận thấy tình trạng tăng huyết áp không thuyên giảm.
Tại Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, bệnh nhân được chỉ định tầm soát bằng chụp MRI. Các bác sĩ phát hiện trong một đoạn ngắn của mạch cảnh của bệnh nhân có đến 5 túi phình mạch máu nằm gần nhau và một nhú phình nhỏ. Đây là nguyên nhân khiến huyết áp của bà tăng cao bất thường. Các bác sĩ quyết định can thiệp bằng phương pháp nội mạch đặt stent - phương pháp ít xâm lấn cũng như hạn chế được biến chứng và tối ưu nhất cho các túi phình của bà T.
Cùng lúc có đến 5 túi phình nhưng may mắn, vị trí túi phình nằm gần nhau trên một đoạn ngắn của mạch máu. Do đó, ê kíp đã hội chẩn và sử dụng phương án chỉ đặt một stent để thay đổi dòng chảy của máu lên não. Stent được đặt ngang qua tất cả túi phình, máu sẽ theo stent lên não, hạn chế được dòng chảy vào túi phình, từ đó giảm nguy cơ xuất huyết não cho bệnh nhân. Sau điều trị 3 ngày, sức khỏe bà T hoàn toàn ổn định và đã được cho xuất viện trong sáng 26/10.
Theo thống kê sơ bộ, người bị túi phình mạch máu chiếm từ 3 - 5% số dân. Nguy cơ lớn nhất của túi phình mạch máu não là túi phình bị vỡ ra gây xuất huyết màng não hoặc xuất huyết trong nhu mô não. Đa số các trường hợp phình mạch máu não hiếm khi có triệu chứng, trừ khi túi phình to gây chèn ép thần kinh, bệnh nhân sẽ có triệu chứng như đau đầu, sụp mi, ngủ gà, lơ mơ… Lúc này, nhiều khả năng túi phình đã vỡ, vì vậy khi thấy bệnh nhân có các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.