"Từ việc đặt nền móng, phát triển hệ thống các phòng/bộ phận công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh, số lượng nhân viên thực hiện công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh và mạng lưới gia tăng nhanh chóng đi kèm với chất lượng đang dần trở nên chuyên nghiệp hơn, mô hình hoạt động sáng tạo hơn, hỗ trợ và đồng hành tích cực cùng người bệnh, gia đình người bệnh giúp giảm đi những khó khăn người bệnh gặp phải trong quá trình khám, chữa bệnh", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ.
Hiện nay 100% bệnh viện tuyến trung ương, 97% bệnh viện tuyến tỉnh và gần 90% bệnh viện tuyến quận, huyện đã thành lập Phòng/tổ công tác xã hội. Toàn quốc có 1.605 nhân viên công tác xã hội chuyên trách và trên 6.000 cộng tác viên công tác xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong những năm qua, hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện đóng góp một phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng của cơ sở khám, chữa bệnh, là cầu nối tình nghĩa giữa bệnh viện, y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện với người bệnh, người nhà người bệnh, đã giúp giải quyết nhiều vướng mắc tâm lý - xã hội của người bệnh cả về tinh thần và vật chất, góp phần mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn cho người bệnh.
Đồng thời độ ngũ này cũng góp phần tuyên truyền giúp người bệnh có đầy đủ thông tin về dịch vụ khám, chữa bệnh để người bệnh, người nhà người bệnh tự tin lựa chọn những phương án tốt nhất.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về công tác xã hội trong y tế. Tuy nhiên, công tác xã hội tại bệnh viện còn gặp phải khó khăn, nhất là sau một thời gian thực hiện, Thông tư 43/2015/TT-BYT đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), trong Thông tư 43 có nhiều nhiệm vụ quy định chung chung, chồng chéo, vượt quyền hạn của nhân viên khiến việc triển khai các hoạt động trong thực tế gặp nhiều khó khăn.
Nguồn nhân lực công tác xã hội của các bệnh viện còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là về trình độ chuyên môn công tác xã hội. Sự phối hợp và sự tham gia của nhân lực công tác xã hội vào hoạt động công tác xã hội trong một số bệnh viện chưa chặt chẽ.
Đa số các Phòng/Tổ công tác xã hội của các bệnh viện có nguồn nhân lực công tác xã hội nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng so với chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó nguồn nhân lực làm công tác xã hội chủ yếu là các nhân viên y tế hoặc từ các chuyên ngành khác.
"Gần 90% những người làm công tác xã hội là ở các vị trí, chức danh khác như bác sĩ, điều dưỡng..., có kiến thức chuyên môn về y tế, nhưng lại thiếu kiến thức về công tác xã hội, ví dụ kỹ năng hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các đối tượng yếu thế thì lại thiếu", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện một số văn bản pháp quy, chính sách, cơ chế cho hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện còn chưa đầy đủ; chưa có chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội làm việc trong bệnh viện cũng chưa có chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh.
“Rất ít bệnh viện có nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách bệnh viện để thực hiện các nhiệm vụ công tác xã hội, mà hầu hết từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Thông tư 43 chưa đề cập về việc sử dụng kinh phí theo quy định chung pháp luật của Nhà nước và quy định của đơn vị. Chế độ đãi ngộ đối với nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện chưa phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê chỉ rõ.
Để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác xã hội, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến việc sửa đổi Thông tư số 43 nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục những bất cập để hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê thông tin: Một khảo sát của Bộ Y tế liên quan đến đề xuất của các đơn vị về việc sửa đổi Thông tư 43 cho thấy, có đến 70,6 đơn vị đề xuất sửa đổi Thông tư này. Tỷ lệ mong muốn sửa đổi cao hơn ở các bệnh viện có quy mô lớn (bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, thành phố và các bệnh viện chuyên khoa).
Một trong những đề xuất đó là mô hình tổ công tác xã hội không nên quy định như trong Thông tư 43 là thuộc Khoa Khám bệnh hoặc Phòng Điều dưỡng hoặc Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện; khi sửa Thông tư 43 cần đề cập rõ nhiệm vụ của mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội trong bệnh viện. Có như vậy ban giám đốc bệnh viện mới có cơ sở để phân công nhiệm vụ cho mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội...
Trong số các giải pháp được đưa ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho rằng, cần thiết nhất là sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về công tác xã hội. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học về công tác xã hội trong bệnh viện. Bên cạnh đó, xây dựng chuẩn năng lực và tăng cường đào tạo chuyên ngành công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh, tiến tới từng bước triển khai các hoạt động về công tác xã hội lâm sàng trong bệnh viện theo mô hình của các nước phát triển.