Ngày 12/9, bệnh nhân nam T.V.T (sinh năm 1973, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) bị vết thương đâm thấu ngực, được bệnh viện địa phương sơ cứu trong tình trạng sốc mất máu, ngưng hô hấp tuần hoàn, tràn khí, tràn máu màng phổi. Tại đây, các bác sỹ đã truyền máu, phẫu thuật khâu cầm máu và dẫn lưu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện rất nguy kịch, niêm nhợt, da xanh, hôn mê, bóp bóng, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp đang sử dụng vận mạch liều cao.
Bệnh nhân được cấp cứu thở máy, truyền dịch, truyền máu và chế phẩm máu… tình trạng thiếu máu nặng không cải thiện. Các bác sỹ liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ hội chẩn và quyết định chụp cắt lớp vi tính ngực cản quang, ghi nhận tình trạng thoát mạch vùng nách phải.
Bệnh nhân được tiến hành chụp và nút động mạch điều trị cầm máu số hóa xóa nền (DSA). Đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa, đặc biệt trên bệnh nhân đang trong tình trạng choáng mất máu nặng, rối loạn đông máu. Ổ thoát mạch xuất phát từ nhánh động mạch dưới đòn phải đã được ê-kíp tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo. Thủ thuật thành công sau 30 phút.
Quá trình cấp cứu, bệnh nhân được truyền 27 đơn vị máu và chế phẩm của máu. Sau can thiệp, huyết áp và tình trạng thiếu máu của bệnh nhân cải thiện tốt. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng, vết mổ khô, dấu hiệu sinh tồn ổn. Bệnh nhân được cai máy thở, tiếp tục điều trị tại Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Trầm Công Chất, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, vết thương thấu ngực là cấp cứu ngoại khoa tối khẩn cấp, với sự tham gia kết hợp đa chuyên khoa. Các bác sỹ phải vừa hồi sức cấp cứu chống sốc vừa phẫu thuật cầm máu giải quyết nguyên nhân mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do vết thương thấu ngực có biến chứng sốc mất máu nặng lên đến 20%.
Bác sỹ Trầm Công Chất nhận định, để ca cấp cứu vết thương thấu ngực thành công cần phối hợp nhiều yếu tố như xử trí ban đầu của bệnh viện địa phương, việc cung cấp máu và chế phẩm máu, năng lực chuyên môn bác sỹ can thiệp chính khi áp dụng kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp nội mạch. Do đó, bác sỹ Chất khuyến cáo, khi bị vết thương đâm thấu ngực cần đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách. Sau đó, bệnh nhân phải được chuyển đến bệnh viện có đủ điều kiện chuyên môn sâu và máy móc hiện đại để được can thiệp cấp cứu kịp thời.