Thai phụ L.T.T.K (29 tuổi, ngụ tại Hậu Giang) vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 2/4 trong tình trạng mang thai lần 2 ở tuần 32, mệt mỏi, đau bụng nhiều. Sau khi làm các xét nghiệm, chị K được chẩn đoán dọa sinh non, viêm tụy cấp do tăng triglyceride (chỉ số mỡ máu) ở mức báo động 107 mmol/L (cao gấp 60 lần người bình thường), huyết tương đục như sữa.
Ngay lập tức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp cùng ê-kíp các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ lên phác đồ điều trị cứu sống mẹ con sản phụ.
Theo đó, sản phụ vừa đồng thời được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực điều trị nội khoa, theo dõi và điều trị bảo tồn, vừa được các bác sĩ Khoa Sản phối hợp theo dõi sát tim thai, kiểm tra chặt chẽ sự phát triển của thai nhi, đảm bảo sức khỏe của mẹ cho đến khi sinh.
Sau 4 ngày điều trị nội khoa tích cực, tình trạng của chị K được cải thiện dần, cùng lúc bệnh nhân đau bụng vùng hạ vị, có dấu hiệu chuyển dạ. Các bác sĩ Khoa Sản, Khoa Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức hội chẩn quyết định phẫu thuật lấy thai để bảo đảm an toàn cho thai nhi và sản phụ.
Sau phẫu thuật, sản phụ được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ngày 14/4, sản phụ hết đau bụng, sinh tồn ổn định, sức khỏe tiến triển tốt. Bé gái nặng 2kg được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ chăm sóc và điều trị chuyên khoa.
Khi chào đời, bé lờ đờ, môi hồng nhợt, da non trong, thở rên rỉ, co lõm ngực nặng, nồng độ oxy trong máu thấp. Bệnh nhi được đưa vào khu hồi sức chăm sóc đặc biệt của Khoa sơ sinh. Tại đây bé được hỗ trợ hô hấp bằng thở máy áp lực dương liên tục qua ngã mũi, nuôi ăn, kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Qua 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bé ổn định dần. Hiện, bé chỉ thở oxy qua ngã mũi, ngưng kháng sinh và bú sữa tốt.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ sinh ra từ tuần thứ 22 đến trước 37 tuần được xếp vào nhóm sinh non. Những bé này đối diện với nhiều nguy cơ về suy hô hấp, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, nhiễm trùng do các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển để thích nghi với đời sống bên ngoài bụng mẹ.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Dương Thiện Phước – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Viêm tụy cấp nặng là một bệnh lý nội khoa cấp tính, diễn tiến nhanh gây suy đa cơ quan và nguy kịch tính mạng nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đặc biệt, viêm tụy cấp ở bệnh nhân đang trong thai kỳ, mức độ nguy hiểm tăng lên nhiều lần, đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con.
Trường hợp viêm tụy cấp nặng như thai phụ L.T.T.K là vô cùng hiếm gặp vì viêm tụy cấp trong thai kỳ tần suất được ghi nhận từ 1/1.000 đến 3/10.000 người. Bệnh có thể diễn tiến theo nhiều thể, với tình trạng hoại tử, áp xe hay suy đa cơ quan, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Nguy cơ tử vong mẹ và con có thể lần lượt là 20% và 50%. Số liệu cho thấy, bệnh thường xuất hiện ở tam cá nguyệt (mang thai 3 tháng) giữa và cuối, trong đó có đến 43 - 62,5% xuất hiện ở 3 tháng cuối.
Các triệu chứng của viêm tụy cấp thường là đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn ói, giảm nhu động ruột, sốt nhẹ. Điều này rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành ốm nghén, do đó các bác sĩ thường gặp khó khăn trong việc chẩn đoán viêm tụy cấp ở bệnh nhân có thai. Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai đều đặn, khi có dấu hiệu đau bụng bất thường cần nhanh chóng đến các cơ quan y tế uy tín để được được thăm khám, chẩn đoán kịp thời.