Trường hợp thứ 3 mắc viêm não Nhật Bản tại huyện M’Đrắk ngày 14/7 là H.H.K (nữ, sinh năm 2001, trú Buôn Năng, xã Cư Prao, huyện M'Đrắk). Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc Viêm não Nhật Bản, Trung trâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, Trạm Y tế xã Cư Prao tiến hành điều tra, giám sát, thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phòng bệnh tại nơi bệnh nhân sinh sống.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nơi bệnh nhân sinh sống, vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo. Người dân còn nuôi bò, heo ngay trong khu vực nhà ở. Điều tra vectơ gây bệnh ghi nhận có muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Lực lượng chức năng tiến hành phun hóa chất xử lý, vệ sinh môi trường cho hơn 40 hộ khu vực xung quanh gia đình bệnh nhân.
Xã Cư Prao hiện có 424 trẻ dưới 5 tuổi. Hầu hết, các em đã được tiêm mũi 1, 2 và 3 vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Tại buôn Năng, 80 trẻ dưới 5 tuổi đều đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt cho người. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm gây nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng như: viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp… Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Thời điểm hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang vào mùa mưa. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. Ngành Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, bên cạnh việc tiêm vaccine cho trẻ, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản về việc tăng cường phòng, chống dịch, bệnh viên não Nhật Bản trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong. Sở chỉ đạo các đơn vị y tế cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt các huyện có ca viêm não Nhật Bản; kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ bệnh ngay khi phát hiện, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền, vận động để trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch mũi vaccine để phòng bệnh; tổ chức truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản như: thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, môi trường, chuồng trại chăn nuôi, ngủ màn, diệt muỗi, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt cao kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (như: co giật, rối loạn vận động, lơ mơ…), người dân cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.