Đây là bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam có u nguyên bào võng mạc di căn được điều trị thành công bằng phương pháp này.
Tháng 9/2020, bệnh nhi vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng sốt cao, mắt phải lồi to, sưng đau hàm má phải, ăn uống kém. Tại đây, bệnh nhi làm đầy đủ xét nghiệm và được chẩn đoán u nguyên bào võng mạc di căn tủy xương, di căn gan, bệnh kèm theo nhiễm trùng huyết.
U nguyên bào võng mạc là khối u ác tính của võng mạc trung tâm phôi và là khối u ác tính hay gặp nhất ở trẻ nhỏ. Khối u có thể phát triển ở một hoặc hai bên mắt. Một số trường hợp, chúng có thể di căn xa đến các cơ quan trong cơ thể. Với bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn, cần tiến hành ghép tế bào gốc mới có thể cứu được cháu. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có trung tâm nào thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh lý u nguyên bào võng mạc.
Sau nhiều lần hội chẩn, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế quyết định thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc để cứu mạng sống của cháu. Bệnh viện đã điều trị ổn định nhiễm trùng, điều trị hóa chất theo phác đồ nguy cơ cao, phẫu thuật bóc mắt bệnh trong quá trình điều trị hóa chất, sau đó thu hoạch tế bào gốc, tiến hành điều trị hóa chất liều cao và ghép tủy. Sau ghép tủy sẽ tiến hành điều trị xạ trị cho bệnh nhân.
Theo các bác sĩ trực tiếp điều trị, đây là ca bệnh khó. Trong quá trình thực hiện ghép tủy, do sử dụng hóa chất liều cao Thiotepa- Carboplatin và Etoposide nên bệnh nhi bị loét niêm mạc đường tiêu hóa nặng, biến chứng sốc nhiễm trùng. Các bác sĩ phải túc trực thường xuyên bên bệnh nhi để chăm sóc cũng như động viên tinh thần, giúp cháu vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
Hoàn cảnh gia đình bệnh nhi khó khăn, các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đã kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ toàn bộ chi phí điều trị với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi mắc ung thư võng mạc di căn. Trong quá trình ghép tế bào gốc và điều trị, khó khăn nhất là khi bệnh nhi xuất hiện các biến chứng của nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ê-kíp, bệnh nhi đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, các chỉ số sức khỏe ổn định và hồi phục. Với kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, tỷ lệ sống và lành bệnh cho các cháu bị u nguyên bào võng mạc di căn không thâm nhiễm hệ thần kinh trung ương lên đến 80%.