Hành trình của những em bé được sinh ra trong ống nghiệm

Cách đây 25 năm, khi cả nước đang trong không khí rộn ràng cờ đỏ, sao vàng kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) thì tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) 3 “em bé ống nghiệm” đầu tiên của Việt Nam đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của gia đình và các y bác sĩ.

Đây cũng là ngày đánh dấu bước ngoặt lịch sử của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam và mang lại hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam.

Những khoảnh khắc khó quên

Ngày 30/4/1998, tại Bệnh viện Từ Dũ, với sự kế thừa kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của thế giới, 3 em bé đầu tiên đã ra đời lành lặn và khỏe mạnh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Để có ngày "lịch sử" ấy, là sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện; trong đó, không thể không nhắc đến Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm của nước nhà.

Chú thích ảnh
GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bác sĩ Vương Ngọc Lan và em Lưu Tuyết Trân trong ngày hội ngộ. 

Nhớ lại giây phút thiêng liêng khi đón những em bé đầu tiên của Việt Nam ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn không khỏi xúc động và cho biết, thật sự không có từ nào có thể tả hết được niềm vui, sự hạnh phúc của tất cả y, bác sĩ trong bệnh viện và gia đình khi các bé cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh, lành lặn.

“Khi đón bé Tuyết Trân chào đời, thì ba của bé là ông Lưu Tấn Lực vừa chắp tay cảm ơn bác sĩ, vừa khóc và nói: Trời ơi, gần 50 tuổi rồi tôi mới có được đứa con này. Lúc đó ai cũng khóc, niềm vui và hạnh phúc đó không thể nói hết được thành lời. Mỗi lần nhìn lại hình ảnh đó tôi lại khóc”, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng xúc động chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ cho biết, 25 năm trước, với vai trò là một bác sĩ trẻ, anh đã rất tự hào khi là một trong những bác sĩ vinh dự được chào đón những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Niềm vui vỡ òa của gia đình khi con chào đời luôn in đậm trong lòng anh. Cho đến ngày hôm nay, khi gặp lại những đứa trẻ ấy, bác sĩ Hải vẫn rất bồi hồi và xúc động.

Đã 25 năm trôi qua, cả 3 em bé đầu tiên được sinh ra bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm giờ đã trở thành những chàng trai, cô gái khỏe mạnh và xinh đẹp.

Chú thích ảnh
Thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: BV

Là một trong 3 “em bé ống nghiệm”, Lưu Tuyết Trân (ngụ Tiền Giang) giờ đã trở thành một cô gái xinh đẹp với đôi mắt to tròn, mái tóc đen dài và nụ cười rạng rỡ. Tuyết Trân cho biết, em đã nghe mẹ kể về hành trình suốt nhiều năm đi tìm con của ba mẹ. Qua những câu chuyện mẹ kể, em thấy được sự hy sinh, vất của mẹ và các y bác sĩ để đưa em đến với thế giới này. Chính điều đó đã tạo động lực cho em luôn cố gắng trở thành người có ích cho xã hội, càng thêm trân quý cuộc sống này hơn, luôn biết ơn các y, bác sĩ và yêu thương ba mẹ nhiều hơn.

“Em rất tự hào khi mình là một trong những em bé đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm và biết ơn những y bác sĩ đã đưa em đến với thế giới này, cho em một cuộc sống kỳ diệu. Em sẽ luôn cố gắng từng ngày để bù đắp quãng thời gian mẹ đã cực khổ, hy sinh sinh tìm kiếm để cho em có được cuộc sống như ngày hôm nay”, Tuyết Trân xúc động chia sẻ.

Là bé trai duy nhất trong 3 "em bé ống nghiệm", Mai Quốc Bảo giờ cũng đã là một chàng trai có chiều cao vượt trội gần 1m8, nặng 78kg, đã tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (TP Hồ Chí Minh) với công việc ổn định và luôn là niềm tự hào, chỗ dựa tinh thần của gia đình.

“Khi biết mình được sinh ra bằng một cách rất đặc biệt, em đã tìm hiểu và luôn biết ơn ba mẹ, các y bác sĩ đã cho em có được cuộc sống ngày hôm nay. Để em được đến thế giới này, ba mẹ đã trải qua một quãng đường rất dài và gian nan. Dù chỉ là một cơ hội rất nhỏ nhoi nhưng ba mẹ đã không từ bỏ”.

Mang lại niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Chia sẻ về lý do đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm triển khai tại Việt Nam, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ lại, với đặc thù công việc, bà đã phải chứng kiến nhiều gia đình tan nát vì không thể sinh con. Hơn nữa, người phụ nữ Việt Nam hay bị mang tiếng “cây độc không trái, gái độc không con”, từ đó đã thôi thúc bà phải làm điều gì đó cho bệnh nhân hiếm muộn của mình.

“Lúc đó, rất ít người ủng hộ và họ còn nói tôi bị khùng vì đang thiếu ăn, dân số Việt Nam tăng nhanh không lo kế hoạch lại lo “tạo con”. Mãi đến năm 1997, sau khi được Bộ Y tế cấp phép, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, tôi và đồng nghiệp bắt đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm”, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ.

Trải qua 25 năm học hỏi và phát triển, khoa Hiếm muộn Bệnh Viện Từ Dũ đã phát triển lớn mạnh với những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tối ưu và hiện đại nhất, đã theo kịp với nền y học thế giới. Tỉ lệ điều trị thành công cao tương đương với những trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hiếm muộn.

Theo đó, từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Chẳng hạn như trường hợp của vợ chồng anh T.T.Q. sau 16 năm "tìm con" với nhiều nỗi đau kéo dài qua 3 lần mất con, đến tháng 6/2021, vợ chồng anh đã chào đón đứa con khỏe mạnh đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Bên cạnh đó, số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000 đến 60.000 lượt. Tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây là hơn 22.000 ca. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ. Tỉ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng, có những kỹ thuật Việt Nam làm tốt hơn ở nước ngoài và hiện nay có nhiều bác sĩ, nhiều kỹ thuật viên ở nước ngoài, không phải chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn ở các nước phát triển như Úc, Đức, Pháp hay Mỹ… cũng qua để học tập bác sĩ, chuyên gia của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng đã có rất nhiều cặp vợ chồng nước ngoài đến Việt Nam không phải để đi du lịch mà chỉ để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Mang niềm vui cho những người vô sinh, hiếm muộn
Mang niềm vui cho những người vô sinh, hiếm muộn

Ngày 16/7, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP Hồ Chí Minh, cho biết, đơn vị vừa chào đón em bé ra đời nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đầu tiên tại bệnh viện. Đây được xem là bước khởi đầu của bệnh viện để mang đến niềm vui cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN