Và khu vực y tế phía Tây, trong đó nổi bật là Cụm y tế Tân Kiên là công trình trọng điểm mang nhiều kỳ vọng thay đổi bộ mặt của Ngành Y tế Thành phố.
Bệnh viện tuyến huyện “chuyển mình”
Đầu tháng 12/2022, Bệnh viện huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim đầu tiên cho một bệnh nhân 69 tuổi. Đó là bà Nguyễn Thị S. (ngụ Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Bà S. được chuyển đến Bệnh viện huyện Bình Chánh trong tình trạng nhịp tim không đều, có ổ máy tạo nhịp tim ở ngực phải. Được biết, trước đây bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2001 và Bệnh viện Nhân dân 115 năm 2011. Sau 5 ngày đặt máy tạo nhịp tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, bệnh nhân được xuất viện về nhà trong tình trạng khỏe mạnh. Trước đó, tháng 9/2022, đơn vị này cũng đã triển khai kỹ thuật đặt stent mạch vành cho những người bệnh tắc, hẹp mạnh vành.
Bác sĩ Võ Ngọc Cường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết, những năm gần đây, số lượng người dân huyện Bình Chánh và các tỉnh miền Tây Nam bộ mắc bệnh tim mạch đến khám ngày càng tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân cần được can thiệp mạch vành. Ước tính trung bình hàng tháng Bệnh viện Bình Chánh chuyển khoảng 30 bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố để can thiệp. “Việc thực hiện can thiệp mạch vành được triển khai ngay tại Bệnh viện huyện Bình Chánh đã giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên, giảm thời gian và chi phí điều trị cho người bệnh”, bác sĩ Cường khẳng định.
Bệnh viện huyện Bình Chánh đã từng bước làm chủ được các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch như chụp động mạch vành, nong và đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp tạm thời, máy tạo nhịp vĩnh viễn, thông tim chẩn đoán…Ngoài ra, đơn vị này cũng đã và đang phát triển nhiều kỹ thuật cao với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Nhân dân 115, Viện Tim, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hùng Vương, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Răng Hàm Mặt…Cùng với đó là hàng loạt cải tiến quy trình khám chữa bệnh, thay đổi thái độ phục vụ, giảm thời gian chờ đợi. Những sự cải tổ mạnh mẽ đã giúp Bệnh viện huyện Bình Chánh nhận được sự tin tưởng, yêu mến của người dân.
Nếu như trước thời điểm dịch COVID-19 nổ ra, Bệnh viện huyện Bình Chánh là một cái tên mờ nhạt ở khu vực cửa ngõ phía tây Thành phố khi không triển khai được kỹ thuật chuyên sâu nào và liên tục thu không đủ chi. Đa số người dân khu vực này cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn “phớt lờ” Bệnh viện huyện Bình Chánh và đổ về các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược …Thì nay, họ lại lựa chọn đơn vị này làm nơi gửi gắm sức khỏe và niềm tin. “Khám bệnh ở bệnh viện tuyến huyện nhưng tôi được phục vụ rất chu đáo, nhiệt tình, tôi cũng được bác sĩ giỏi, có chuyên môn khám và điều trị, giờ gia đình tôi không phải đi lên tuyến trên nữa, vừa xa xôi lại chờ đợi lâu”, ông Trần Minh Hải (ngụ thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) nhận xét.
Hiện mỗi ngày Bệnh viện huyện Bình Chánh tiếp đón 1.500 lượt khám bệnh. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như: thận nhân tạo, chấn thương chỉnh hình, răng hàm mặt, sản-nhi, y học cổ truyền…. Với những hướng đi mới, Bệnh viện huyện Bình Chánh được kỳ vọng sẽ sớm trở thành bệnh viện hạng I (tương đương bệnh viện tuyến tỉnh) và là một trong những cơ sở y tế đóng vai trò quan trọng ở khu vực ven đô phía tây, bên cạnh cụm y tế trọng điểm Tân Kiên.
Một trung tâm y tế chuyên sâu mang tầm khu vực đang hình thành
Sau 5 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (người dân vẫn quen gọi là Bệnh viện Nhi đồng 3) đã trở thành một trong những địa chỉ tin cậy không chỉ của người dân TP Hồ Chí Minh mà còn của người dân các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ.
Nằm ở cửa ngõ phía tây của TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận hơn 1.000 lượt khám bệnh, những ngày cao điểm có thể lên tới 2.000 lượt khám bệnh. Đây cũng là bệnh viện nhi được đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại bâc nhất Việt Nam với định hướng tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong nhi khoa đầu tiên tại Việt Nam, trang bị nhiều thiết bị hiện đại như máy Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO), phòng mổ Hybride cho phẫu thuật tim mạch, hệ thống kính vi phẫu, thiết bị định vị thần kinh, máy Cộng hưởng từ (MRI), máy Chụp cắt lớp điện toán (CT scan) hiện đại 256 lát cắt… Bệnh viện cũng xây dựng được khoa y học hạt nhân và khoa xạ trị dành riêng cho trẻ em. Nhờ thế trong 5 năm qua, đơn vị này đã cứu sống hàng ngàn trường hợp trẻ em mắc các bệnh lý hiểm nghèo. Trong đó, thực hiện ca phẫu thuật nổi tiếng tách rời cặp song sinh dính liền Trúc Nhi – Diệu Nhi.
Nằm kế bên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2022. Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho biết, toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh đều được đưa về cơ sở mới này với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Đơn vị này cũng ưu tiên phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị những ca khó, điều trị bệnh tái phát, tập trung hóa trị liệu, ghép tế bào gốc, giải phẫu bệnh tế bào...nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh, giảm tình trạng người dân phải đi nước ngoài điều trị.
Đây là 2 dự án đầu tiên được đưa vào hoạt động của Cụm y tế Tân Kiên nằm trên địa bàn 2 xã Tân Kiên và Tân Nhựt của huyện Bình Chánh. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Cụm y tế Tân Kiên được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2015 với quy mô ban đầu 54 ha nhưng sau đó mở rộng lên 74 ha. Bên cạnh tập trung đầu tư y tế chuyên sâu với nhiều kỹ thuật cao, Cụm y tế Tân Kiên còn được quy hoạch xây dựng theo mô hình y tế xanh khi dành đến 19 ha cho khu công viên, vệ sinh, bãi xe công cộng, sân thể dục thể thao và nhà lưu trú cho thân nhân bệnh nhân...
Ngoài hai bệnh viện đã đi vào hoạt động, trong Cụm y tế Tân Kiên còn có các dự án: Bệnh viện Tai Mũi Họng cơ sở 2, Viện Tim cơ sở 2, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Viện Pháp y tâm thần, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm, Trung tâm Cấp cứu 115… Xây dựng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và trường đào tạo y tế, phục vụ bệnh nhân trong khu vực đồng thời đón đầu bệnh nhân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, góp phần làm giảm tải các bệnh viện trong khu vực trung tâm, hình thành mô hình viện – trường ở cửa ngõ phía Tây Thành phố là mục tiêu mà UBND TP Hồ Chí Minh đề ra khi thành lập dự án Cụm y tế Tân Kiên.
Hiện dự án Cụm y tế Tân Kiên đang bước vào giai đoạn 2 giải phóng mặt bằng với diện tích 21,71 ha và điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 mở rộng thêm 19,45 ha. Cùng với Cụm y tế Tân Kiên, ở khu vực cửa ngõ phía tây, TP Hồ Chí Minh đang có dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bên cạnh các dự án bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và ngành y tế kỳ vọng, sau khi các dự án này hoàn thành, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành một trung tâm y tế hiện đại và đồng bộ từ khâu đào tạo, nghiên cứu, thực hành đến hỗ trợ khám, điều trị bệnh… Trước hết là nhằm phục vụ nhu cầu người dân từ 19 tỉnh Nam bộ với khoảng 30 triệu dân, đồng thời vươn tầm tới các trung tâm y tế tiên tiến của khu vực Đông Nam Á.