Đây là lần đầu tiên kỹ thuật EMO song hành cùng phẫu thuật ngoại khoa để cứu sống bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch.
Bé gái V.N.K.T (31 tháng tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng tím tái, mệt lả khi khóc hoặc vận động nhiều. Các bác sỹ xác định, bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh ở thể nặng nhất, đó là mắc "tứ chứng" Fallot. Đây là bệnh thường gặp nhất trong nhóm tim bẩm sinh gây tím với biểu hiện điển hình da tím tái do máu không được cung cấp đủ dưỡng khí. "Tứ chứng" Fallot thường gặp với 4 dạng khiếm khuyết ở tim gồm: hẹp đường thoát thất phải, thông liên thất, động mạch chủ đè lên vách liên thất và phì đại thất phải.
Sau khi hội chẩn, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định phẫu thuật "sửa chữa" triệt để các dị tật tim bẩm sinh cho bệnh nhi bởi nếu để lâu thêm nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi. Do bệnh nhi được can thiệp muộn cộng với thể trạng suy dinh dưỡng nặng, tim đã có nhiều biến chứng nặng nên các bác sỹ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phẫu thuật. "Thông thường chúng tôi chỉ sử dụng tim phổi nhân tạo trong khoảng 140-150 phút nhưng trường hợp này đã phải sử dụng đến 193 phút, kẹp động mạch chủ đến 134 phút. Rất may mắn, ca phẫu thuật rất thành công vì đã giải quyết được toàn bộ tứ chứng Fallot", bác sỹ Nguyễn Thị Trân Châu, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức Ngoại, cho biết.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau ca đại phẫu, bệnh nhi tiếp tục phải mổ mở xương ức để hồi sức tích cực do tình trạng phù phổi cấp nặng dần sau mổ dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận. Thế nhưng, mọi phương pháp hồi sức sau đó đều thất bại, bệnh nhi có lúc đã bị suy hô hấp nặng và ngưng tim. Sau khi hội chẩn khẩn cấp, các bác sỹ quyết định áp dụng kỹ thuật ECMO ngay tại giường bệnh dẫu khả năng thất bại rất cao. Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết, khác với các ca ECMO viêm cơ tim đặt ống thông từ động mạch đùi luồn lên thì lần này các bác sỹ phải đặt ống thông mạch máu trực tiếp vào tim và động mạch chủ của bệnh nhi. Đây là kỹ thuật khó, chỉ những bác sỹ phẫu thuật tim giỏi mới dám thực hiện.
Sau khi đặt xong ECMO khoảng 30 phút, từ trạng thái suy hô hấp nặng, tím tái, trụy tim mạch, bệnh nhi dần phục hồi, hồng hào trở lại. Sau một tuần chạy ECMO, tình trạng bé gái cải thiện, chức năng co bóp tim và hô hấp phục hồi tốt, bé được cai ECMO và phẫu thuật đóng xương ức, cai máy thở và hiện đã ổn định, ăn, ngủ tốt.
Trước đó một tuần, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã sử dụng kỹ thuật ECMO để cứu sống một bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp được chuyển đến từ tỉnh Phú Yên. Đến nay, đã có 8 trường hợp được cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Nhi đồng 1.