Tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình, từ tháng 5 đến nay, số bệnh nhân bị viêm kết mạc đến khám và điều trị tăng đáng kể. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận hơn 100 lượt người đến khám. Số lượng người bệnh có chẩn đoán viêm kết mạc là gần 500 người, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Những trường hợp đến khám thường đã điều trị tại nhà nhưng không khỏi. Nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh đường hô hấp kèm viêm kết mạc. Một số biến chứng thường thấy là có giả mạc, viêm giác mạc gây ngứa khiến trẻ hay dụi mắt, mắt đỏ nhiều.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thùy Dương, Khoa Viêm Kết mạc, Bệnh viện Mắt Ninh Bình cho biết, viêm kết mạc là bệnh gặp phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Đặc biệt, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Viêm kết mạc tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính và ít để lại di chứng. Đa số các trường hợp sẽ khỏi sau 7 - 14 ngày. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng đến nhiều sinh hoạt hàng ngày.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thùy Dương, bệnh viêm kết mạc có các triệu chứng cụ thể như: cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm như có cát trong mắt. Buổi sáng ngủ dậy, người bệnh thấy khó mở mắt, 2 mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ và cảm thấy đau nhức, chảy nước mắt, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, thậm chí xuất hiện hạch ở tai. Thông thường lúc này, người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm, nhưng nếu bệnh nặng, mắt có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc.... Trung gian truyền bệnh chính là nước mắt của bệnh nhân viên kết mạc do nước mắt này có chứa virus. Mầm bệnh lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi và qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn...); đồng thời, qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ như nước hồ bơi).
Bệnh viêm kết mạc rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan cao do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như: hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguồn bệnh (như: khăn mặt, chậu rửa mặt) hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng. Vì vậy, môi trường công sở, lớp học, nơi công cộng là những nơi khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát dịch. Do không có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, cộm rát, giảm tỷ lệ biến chứng... Theo đó, có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết làm giảm cảm giác cộm rát, khó chịu.
Để tránh các tai biến do dùng thuốc, khi bị viêm kết mạc, người dân cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa; không được tự ý mua thuốc về nhỏ, nhất là các thuốc chứa corticoid. Nếu dùng không đúng cách các loại thuốc này có thể gây nhiều tai biến như: suy giảm thị lực, sẹo giác mạc, làm cho thời gian điều trị lâu hơn, thậm chí quá lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là mù lòa.