Nguy cơ nhồi máu cơ tim từ những cơn đau thắt ngực

Khi xuất hiện các cơn đau thắt ngực bất thường, người dân cần chú ý đến bệnh động mạch vành; thậm chí bệnh diễn biến nặng có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Chú thích ảnh
Các cơn đau thắt ngực và bệnh động mạch vành. Ảnh: BV

Theo PGS.TS Lê Văn Trường, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, bệnh động mạch vành là tình trạng hẹp hoặc tắc động mạch vành làm giảm lưu lượng dòng máu nuôi cơ tim, gây thiếu máu hoặc nhồi máu cơ tim.

Biểu hiện của bệnh là cơn đau ngực xuất hiện khi gắng sức khi đi bộ, chạy, leo cầu thang…. Vị trí đau thường ở ngực trái và sau xương ức, như đè nặng, thắt chặt và bóp nghẹt lồng ngực, có thể lan lên cổ, đến xương hàm dưới, ra sau lưng, dọc mặt trong cánh tay trái, cảm giác lo lắng, khó thở … Biểu hiện đau thường dịu đi sau khi dừng gắng sức và dùng thuốc giãn động mạch vành.

Đặc biệt, khi cơn đau ngực xuất hiện đột ngột, tăng tần suất, cường độ, kéo dài, ngay cả khi nghỉ ngơi, gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định, một thể của hội chứng vành cấp có thể diễn biến nặng hơn là nhồi máu cơ tim với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu động mạch vành bị tắc đột ngột.
Những người dễ mắc bệnh động mạch vành thường có các yếu tố nguy cơ như: Nghiện thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì, gia đình có người bị bệnh mạch vành…

Để xác định bệnh, bệnh nhân sẽ được làm một số biện pháp như: Xét nghiệm máu, ghi điện tim, siêu âm tim, chụp động mạch vành để khẳng định có hẹp  hoặc tắc động mạch vành hay không.

Tùy trạng thái của bệnh, bác sĩ sẽ quyết định điều trị can thiệp cấp cứu (trong trường hợp cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim), hoặc can thiệp có kế hoạch, với mục tiêu quan trọng là tái lưu thông động mạch vành.

Hiện có hai phương pháp tái lưu thông động mạch vành là: Nong- đặt stent động mạch vành qua da (can thiệp vành) và hẫu thuật cầu nối động mạch vành.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi có biểu hiện của bệnh động mạch vành, nhất là các cơn đau ngực, người dân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để xác định bệnh, mức độ bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Đặc biệt, với những người đã mắc bệnh, mạch vành có thể bị hẹp hoặc tắc lại, hoặc phát sinh tổn thương mới. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch và thay đổi lối sống  như: Bỏ thuốc lá và các chất kích thích, kiêng ăn mỡ, phủ tạng động vật; hoạt động thể lực theo khả năng, tránh căng thẳng tâm lý… và tái khám đều đặn theo hẹn của bác sĩ.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Điều trị cholesterol cao lúc trẻ sẽ ngăn chặn nguy cơ bệnh tim mạch khi về già
Điều trị cholesterol cao lúc trẻ sẽ ngăn chặn nguy cơ bệnh tim mạch khi về già

Phát hiện và điều trị sớm tình trạng cholesterol cao ở người trẻ tuổi có thể làm giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch và đột quỵ cho họ khi bước vào tuổi xế chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN