Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, bạch biến là căn bệnh tự miễn, là hiện tượng sắc tố của da bị rối loạn do sự phá hủy và mất đi tế bào sinh sắc tố khiến vùng da trông như bị tẩy trắng. Vị trí bị bệnh thường gặp nhất là mặt, phần trên của ngực, mặt lưng bàn tay, nách, háng… Thương tổn da là những đốm da mất sắc tố, màu rất trắng, kích thước của các đốm cũng thay đổi từ 1cm đến vùng rộng hơn.
Theo đó, bệnh bạch biến không phải là bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến nhiều người tự ti, mặc cảm vì làn da khác với những người xung quanh.
Bệnh bạch biến có 2 thể là: Thể khu trú và thể lan toả. Ở thể khu trú, có bạch biến từng điểm, bạch biến thể đoạn là tổn thương một hoặc nhiều dát giảm sắc tố theo đường đi của dây thần kinh và thể niêm mạc chỉ tổn thương ở niêm mạc. Ở thể lan toả, bệnh có biểu hiện ở các ngón tay, chân, quanh các hốc ở mặt; có các mảng giảm sắc tốt riêng rẽ và phân bố rộng rãi; bị rải rác toàn thân; thậm chí có những trường hợp giảm sắc tố toàn bộ cơ thể…
Nguyên nhân chính xác gây bệnh bạch biến hiện chưa biết rõ nên chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Tuy hiện, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị triệu chứng bệnh, đáp ứng tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
Cũng theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, trước đây việc chẩn đoán bệnh bạch biến dễ nhầm sang bệnh phong, giang mai. Hiện nay, y học hiện đại đã có nhiều phương pháp điều trị bệnh bạch biến. Một số phương pháp điều trị bệnh bạch biến hiện đang được sử dụng như: Dùng tia cực tím loại B (UVB), dùng một số loại corticoid, canxi ion, thuốc bôi tại chỗ, điều trị từ bên trong cơ thể, dùng chế phẩm ức chế căn bệnh, thuốc làm quân bình oxy hóa của cơ thể…
Tại Việt Nam, việc điều trị hiệu quả bệnh bạch biến tùy theo từng giai đoạn sớm hay muộn, thể thông thường (dễ điều trị hơn) hay thể đoạn. Bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc bôi, phương pháp ánh sáng và thuốc uống chống oxy hóa. Nếu thất bại với liệu trình điều trị nói trên, bệnh nhân sẽ được tư vấn ghép da, tẩy da...
Hiện nay, bệnh bạch biến còn được điều trị bằng phương pháp mới là ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy. Đây là phương pháp dùng tế bào thượng bì (gồm tế bào hắc tố, tế bào gai, một số tế bào gốc) của chính cơ thể bệnh nhân ghép vào tổn thương bạch biến.
Biện pháp này được áp dụng được cho những trường hợp kháng trị với thuốc bôi và liệu pháp ánh sáng; thực hiện được trên tổn thương có diện tích lớn; vùng lấy da lành diện tích nhỏ, ít để lại sẹo; ít gây đau; thời gian thực hiện nhanh…